Câu hỏi về chiến lược dài hạn của nước Mỹ đối với nước Nga

Nỗ lực dọn sạch đống rắc rối mà Tổng thống Biden vừa để lại trong sự kiện phát biểu tại Vacsava diễn ra nhanh chóng và lan rộng, chứng tỏ chính quyền Mỹ rất muốn tránh leo thang căng thẳng với Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Reuters đưa tin, các quan chức cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden, các trợ lý của ông và các đồng minh phương Tây đang thảo luận cách giải thích bình luận của ông rằng nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin không thể tiếp tục nắm quyền vì họ không muốn leo thang xung đột giữa Washington và Moskva.

Dòng cuối cùng gồm 9 từ trong bài phát biểu dài 27 phút của ông Biden tại Vacsava hôm 26/3 vừa qua đã làm xao nhãng điều mà một số nhà quan sát coi là bài hùng biện hay nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden. Nó khiến các đồng minh nước ngoài của Washington không khỏi lo ngại sau chuyến công du thành công của nhà lãnh đạo Mỹ nhằm đoàn kết các đồng minh chống lại Nga và đặt ra những câu hỏi mới về chiến lược dài hạn của Mỹ đối với cựu thù thời Chiến tranh Lạnh.

“Lạy Chúa, người đàn ông này không thể tiếp tục nắm quyền!,” ông Biden nói giữa thủ đô Ba Lan sau khi lên án cuộc chiến kéo dài một tháng qua của ông Putin ở Ukraine.

Một quan chức Nhà Trắng nói rằng bình luận về Tổng thống Putin không có trong kịch bản bài diễn văn. Khi được hỏi liệu câu cảm thán đó có phản ánh cảm xúc thực sự của ông Biden hay không, quan chức này né tránh trả lời trực tiếp nhưng lưu ý rằng Tổng thống Mỹ đã không ngại gọi người đồng cấp Nga là “đồ tể” và “tội phạm chiến tranh.”

Trong sự nghiệp chính trị của mình, ông Biden đã mắc một số sai lầm đáng chú ý trong lúc phát biểu tại các buổi họp báo không chính thức với phóng viên hoặc các sự kiện tự phát khác. Trong chuyến công du châu Âu mới đây, Tổng thống Biden cho biết Mỹ sẽ có hành động đáp trả “tương tự” nếu Nga sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine và ám chỉ rằng quân đội Mỹ sẽ tham chiến.

[Liên minh châu Âu ủng hộ Mỹ và Nga đối thoại về tình hình Ukraine]

Cả hai nội dung này đều không đại diện cho chính sách của Mỹ. Nhưng bình luận của ông Biden hôm 26/3 vừa qua không phải được đưa ra trong những tình huống trên - ông ấy đang phát biểu trước đám đông với sự trợ giúp của máy nhắc chữ. Trong những phút trước khi ông kêu gọi ông Putin từ bỏ quyền lực, đám đông khoảng 1.000 người rõ ràng đã ủng hộ những bài phát biểu của ông Biden, vỗ tay, vẫy cờ và thậm chí bắt đầu hát.

Một trợ lý của Tổng thống Biden nhận xét tuyên bố đầy xúc động của ông Biden đã nói lên sự thất vọng mà nhiều nước phương Tây - và nhiều cử tri Mỹ - cảm thấy về cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine. Các quan chức Mỹ lý giải lời bình luận đó được đưa ra một ngày sau khi ông Biden có cuộc gặp gỡ với những người tị nạn Ukraine phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán do chiến tranh và trong bối cảnh ban lãnh đạo Ukraine đang cố gắng đáp trả các chiến dịch ném bom của Nga tại nhiều thành phố.

Tuy nhiên, giải thích này lập tức làm dấy lên những cáo buộc lâu nay của Nga và các quốc gia khác rằng Mỹ tìm kiếm vai trò đế quốc trong các cuộc xung đột trên thế giới và làm leo thang căng thẳng khi phương Tây cố gắng kiềm chế một ông Putin ngày càng khó đoán.

Nỗ lực dọn sạch đống rắc rối mà Tổng thống Biden vừa để lại diễn ra nhanh chóng và lan rộng, chứng tỏ chính quyền Mỹ rất muốn tránh leo thang căng thẳng với Nga, ngay cả khi điều đó làm giảm uy tín của ông Biden.

Ngoại trưởng Mỹ, Văn phòng báo chí Nhà Trắng, Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Thủ tướng Đức trong cùng một ngày đều phản đối ý tưởng thay đổi chế độ ở Moskva, điều mà chính ông Biden trước đó đã bác bỏ bằng câu trả lời thẳng thừng là “Không,” khi các phóng viên ở Washington hỏi liệu ông có kêu gọi thay đổi chế độ hay không.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 28/3 vừa qua, ông Biden giải thích rằng bình luận của ông (ở Vacsava) thể hiện “sự phẫn nộ đạo đức” của cá nhân ông về hành động của ông Putin, chứ không phải là một sự thay đổi trong chính sách.

Tuy nhiên, ông nói thêm, nếu nhà lãnh đạo Nga “tiếp tục con đường mà ông ấy đang đi, ông ấy sẽ trở thành người bị thế giới ruồng bỏ và ai biết ông ấy sẽ trở thành người như thế nào nếu được ủng hộ.”

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những tuần gần đây, các quan chức trong chính quyền  của ông Biden cho biết họ ngày càng lo ngại về những quyết định sắp tới của Tổng thống Putin và lời cảnh báo có phần bất ngờ hơn của Nga về mối đe dọa vũ khí hạt nhân, một động thái khiến tuyên bố của ông Biden càng khiến dư luận thêm ngạc nhiên.

Hồi kết là gì?

Gần đây, chính quyền ông Biden đã bác bỏ các đề xuất, bao gồm cả đề xuất của Thượng nghị sỹ Mỹ Lindsey Graham, rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine là loại bỏ ông Putin.

Tuy nhiên, Washington tuyên bố các hành động trừng phạt đối với các doanh nghiệp, ngân hàng, quan chức chính phủ và các nhà tài phiệt của Nga là nhằm trực tiếp vào ông Putin, một nỗ lực để cô lập ông Putin với những người ủng hộ ông ở trong và ngoài nước.

Phát biểu trước Quốc hội hôm 1/3, Tổng thống Biden nói rằng Tổng thống Putin hiện đang “bị cô lập với thế giới hơn bao giờ hết” và một tuần sau đó, ông công bố kế hoạch “siết chặt vòng vây” với ông Putin hơn nữa.

Mặc dù đã trực tiếp can dự với ông Putin, Tổng thống Biden đã thất bại trong việc thuyết phục người đồng cấp Nga không gây chiến tranh Ukraine ngay từ đầu. Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược hôm 24/2 vừa qua, ông Biden thay vì thế đã cố gắng nói chuyện trực tiếp với người Nga. “Các bạn, những người dân Nga, không phải là kẻ thù của chúng tôi,” Tổng thống Mỹ nói tại Vacsava.

Các quan chức trong chính quyền ông Biden đã từ chối trả lời các câu hỏi về kịch bản cho “hồi kết” mà Nhà Trắng đang xem xét liên quan cuộc chiến ở Ukraine, hoặc cách họ nghĩ rằng ông Putin có thể giảm cường độ của cuộc xung đột.

Tuần trước, cựu Tổng thống và cựu Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, một trong những đồng minh thân cận nhất của ông Putin, đã cảnh báo Mỹ rằng việc Tổng thống Nga rời bỏ quyền lực có thể tạo ra một ban lãnh đạo không ổn định ở Moskva “với số lượng vũ khí hạt nhân tối đa nhằm vào các mục tiêu ở Mỹ và châu Âu.”

Khi được hỏi về bình luận của ông Biden tại Vacsava, vốn ít được đưa tin trên truyền hình nhà nước Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Đây chắc chắn là một tuyên bố đáng báo động.”

Andrew Lohsen, chuyên gia về xung đột và là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cảnh báo: “Đây sẽ là một phần không thể thiếu trong các chiến dịch thông tin sai lệch của Nga nhằm bôi nhọ động cơ của Mỹ”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục