Cầu Đuống chờ được nâng cấp tĩnh không lên gần 10m

Cầu Đuống chờ được nâng cấp tĩnh không để phát triển vận tải thủy

Ban Quản lý dự án đường sắt đề nghị cho phép lập dự án đầu tư nâng cấp cầu Đuống đảm bảo tĩnh không thông thuyền và bố trí vốn triển khai để đảm bảo yêu cầu giao thông đường thủy.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ban Quản lý dự án đường sắt đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép lập dự án đầu tư nâng cấp cầu Đuống đảm bảo tĩnh không thông thuyền và bố trí vốn triển khai để đảm bảo yêu cầu giao thông đường thủy.

Theo thông tin tại buổi làm việc giữa Ban Quản lý dự án đường sắt với Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam, tuyến sông Đuống dài 68km từ ngã ba Mỹ Lộc đến Cửa Dâu thuộc tuyến hành lang Hải Phòng-Phả Lại-Việt Trì, trong đó tại khu vực Km59+00 sông Đuống có công trình cầu đường bộ và đường sắt vượt sông, do ảnh hưởng của dòng chảy xiên, lưu tốc dòng chảy lớn tại khoang thông thuyền về mùa lũ, bão (>5m/s; do kích thước khoang thông thuyến rất hạn chế) đã trờ thành điểm đen trên đường thủy nội địa.

[Hạn chế tàu thuyền lưu thông để xử lý vết nứt tại cầu Đuống]

Hơn nữa, cầu Đuống là một trong những cầu yếu khu vực phía Bắc và có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới an toàn giao thông đường thủy khi khẩu độ khoang thông thuyền 40m, chiều cao tĩnh không (ứng với tần suất mực nước 5%) là 2,5m trong khi Theo Thông tư số 46/2016/TT-BGTVT ngày của Bộ Giao thông Vận tải kích thước khoang thông thuyền của cầu Đuống phải lên tới 9,5m.

Ngoài ra, dòng chảy qua cầu rất phức tạp, dòng chảy chính xiên từ phía bờ phải sang phía bờ trái vào trụ cầu phía trái; phía hạ lưu cầu có nhiều vùng nước xoáy rất nguy hiểm cho phương tiện thủy ngược xuôi qua khu vực. Đặc biệt là vào mùa lũ, dòng chảy qua cầu rất xiết, độ chênh mực nước giữa thượng và hạ lưu cầu rất cao càng gây khó khăn và nguy hiểm cho phương tiện thủy.

Mặt khác lưu lượng vận tải rất lớn, bình quân một ngày đêm có từ 200-250 lượt phương tiện ngược, xuôi qua khu vực cầu; trong đó các phương tiện có trọng tải hơn 1.000 tấn và phương tiện chở dăm gỗ bị che khuất tầm nhìn thường xuyên đi qua khu vực cầu càng tăng thêm nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy và công trình cầu.

Vào năm 2008, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt thực hiện nâng tĩnh không cầu Đuống nhưng sau đó Bộ này đã thống nhất về chủ trương không đầu tư nâng cấp tĩnh không thông thuyền cầu Đuống do dự án xây dựng đường sắt đô thị Yên Viên-Ngọc Hồi (tuyến số 1), giai đoạn 2 đang triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi, trong đó có đầu tư xây dựng cầu đường sắt tại vị trí cầu Đuống hiện tại (đáp ứng mọi yêu cầu về tĩnh không thông thuyền), bắt đầu thực hiện từ năm 2018 và hoàn thành vào năm 2020.

Thế nhưng, dự án đường sắt đô thị Yên Viên-Ngọc Hồi hiện tại mới đang chỉ giải phóng mặt bằng khu vực Tổ hợp Ngọc Hồi nên công trình cầu Đuống thuộc đoạn tuyến của dự án xây dựng đường sắt đô thị này mới chỉ được phê duyệt trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2004, tới nay vẫn chưa xác định thời gian triển khai các công việc tiếp theo.

“Việc nâng tĩnh không cầu Đuống đảm bảo tĩnh không thông thuyền nếu vẫn thực hiện trong dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 sẽ chưa thể xác định thời gian triển khai,” lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt đánh giá.

Ban Quản lý dự án đường sắt nhận thấy việc nâng cấp cầu Đuống hiện tại đáp ứng tĩnh không thông thuyền để đảm bảo yêu cầu giao thông đường thủy cần được sớm triển khai, do đó cần được xem xét thực hiện trong một dự án độc lập.

Vì thế, Ban Quản lý dự án đường sắt đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép lập dự án đầu tư nâng cấp cầu Đuống đảm bảo tĩnh không thông thuyền và bố trí vốn cho công tác này đồng thời giao đơn vị đại diện chủ đầu tư thực hiện dự án trên và lựa chọn tư vấn để lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục