Những chiếc cầu thang thoát hiểm ở mặt tiền nhiều tòa nhà cũ tọa lạc trên những con phố cổ kính của thành phố New York, Mỹ, đã trở thành một trong những hình ảnh biểu tượng của nơi đây,
Mặc dù rất nhiều thành phố khác trên thế giới đều có những tòa nhà trang bị cầu thang thoát hiểm, nhưng có lẽ không nơi nào xuất hiện nhiều những cầu thang này như ở New York.
Ngoài sự phổ biến, sức hấp dẫn của yếu tố văn hóa cũng như sự quyến rũ về mặt thẩm mỹ đã khiến những thang thoát hiểm đặc biệt này xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm điện ảnh và truyền hình, như bộ phim “Rear Window” của Alfred Hitchcock hồi năm 1954, và đặc biệt là “1961 West Side Story” của Jerome Robbins vào năm 1961.
Trên thực tế, những cầu thang thoát hiểm dạng này đã xuất hiện lần đầu tại thủ đô London của nước Anh vào những năm 1700, khi dân số đô thị đang ngày càng gia tăng khiến các tòa nhà ngày càng được xây cao hơn.
[Nhà ống nằm sâu trong ngõ nhỏ, phố nhỏ: Mở lối thoát hiểm thế nào?]
Những người dân sinh sống trong những tòa nhà đó đối mặt với mối nguy hiểm lớn mỗi khi xảy ra hỏa hoạn. Do đó, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số phiên bản lối thoát hiểm đầu tiên.
Tuy nhiên, người ta sớm nhận ra rằng giải pháp nhanh nhất để rời khỏi một tòa nhà vẫn là bằng cầu thang bộ. Bởi cầu thang thời đó thường được làm bằng gỗ nên chúng sẽ nhanh chóng cháy rụi khi có hỏa hoạn. Vì lý do này, cầu thang làm bằng kim loại ra đời. Chúng là tiền thân của những cầu thang thoát hiểm sau này.
Nằm trong một đất nước đang trải qua quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng, trong khoảng thời gian từ năm 1800 đến 1880, quy mô dân số New York tăng gấp đôi sau mỗi thập kỷ. Những người di cư đổ đến Mỹ để làm việc trong các nhà máy, và lựa chọn tốt nhất của họ là sống chen chúc trong những chung cư lớn được xây dựng bằng những vật liệu rẻ tiền để giảm chi phí.
Các nhà sử học sau này ước tính khoảng 50% số vụ cháy của thành phố New York xảy ra tại những ngôi nhà đó.
Vào ngày 2/2/1860, một vụ hỏa hoạn khủng khiếp đã xảy ra tại một khu chung cư nằm trên phố Elm, ngày nay là phố Lafayette của New York.
Vụ cháy bắt nguồn từ một tiệm bánh nằm ở tầng trệt của tòa nhà, vào thời điểm đó, tòa nhà có 24 hộ sinh sống. Do thang của lính cứu hỏa chỉ có thể vươn tới tầng 3 của tòa nhà, công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Hậu quả là 10 người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, đã tử vong.
Tuy đây không phải là thảm họa tồi tệ nhất của thành phố tính đến thời điểm đó, nhưng sự vào cuộc rầm rộ của báo chí đã khiến dư luận rúng động, dẫn đến làn sóng chỉ trích mạnh mẽ yêu cầu chính quyền phải siết chặt các biện pháp giúp bảo đảm an toàn xây dựng. Từ đây, Luật xây dựng Chung cư đầu tiên đã ra đời vào năm 1867.
Đạo luật này đặt ra các tiêu chuẩn về kích thước phòng, lỗ thông gió, và đặc biệt đòi hỏi một lối thoát hiểm được tạo ra tại mỗi dãy phòng để sử dụng khi có hỏa hoạn. Những lối thoát hiểm này phải làm bằng kim loại hoặc đá. Yêu cầu xây dựng lối thoát hiểm áp dụng cho những tòa nhà cao trên 4 tầng.
Nhiều cách thức thoát hiểm đã được đề xuất trong thời kỳ đó. Nhà phát minh Lewis Anjdjah đã được cấp bằng sáng chế cho giải pháp về một tấm bạt chống cháy, còn nhà phát minh Pasquale Nigro lại phát minh ra một “đôi cánh” gắn vào những cư dân đang muốn thoát khỏi tòa nhà.
Tuy nhiên, lịch sử đã cho thấy sự lựa chọn của hầu hết những chủ tòa nhà thời đó chính là những lối thoát hiểm mà chúng ta còn thấy hiện nay. Đó là những cầu thang làm bằng sắt với giá rẻ, có thể dễ dàng gắn vào những tòa nhà đã xây xong và sử dụng trên các công trình xây dựng mới.
Sau khi được triển khai, việc lắp đặt thang thoát hiểm vướng phải những chỉ trích cho rằng chúng không hiệu quả, thậm chí còn gây nguy hiểm do quá trình xây dựng không được giám sát chặt chẽ, công trình bị hư hại theo thời gian và không được bảo trì đúng cách.
Trong một số trường hợp, những cầu thang này bị sập, bị uốn gập xuống hoặc tan chảy dưới nhiệt độ cao, như trường hợp từng xảy ra tại nhà máy Triangle Shirtwaist hồi năm 1911. Có những người chết vì rơi xuống từ thang thoát hiểm.
Dù vậy, hàng nghìn chiếc cầu thang sắt như vậy vẫn đã được xây dựng trên khắp thành phố New York.
Sau khi Luật xây dựng của New York được sửa đổi vào năm 1938, cầu thang thoát hiểm lắp bên ngoài tòa nhà đã không còn cần thiết, bởi các cầu thang với công năng tương tự nằm bên trong nhà giúp bảo vệ tốt hơn cho những người dân khi có sự cố.
Và như thế, hầu hết các cầu thang thoát hiểm kiểu cũ còn tồn tại cho đến hôm nay đều đã có tuổi đời 50 năm, thậm chí có thể hơn 100 năm. Ngoài mục đích thoát hiểm, những chiếc cầu thang đó còn được dùng để trang trí, chụp ảnh, thậm chí trở thành khu vực phơi đồ giặt.
Đã có nhiều nỗ lực để loại bỏ những cầu thang kiểu cũ này nhằm tránh nguy hiểm cho những người muốn bước lên chúng.
Tuy nhiên, đối với nhiều người dân New York, những chiếc cầu thang thoát hiểm đã trở thành một nét đặc trưng, mang màu sắc văn hóa và lịch sử, trở thành một phần của những tòa nhà cổ, tô điểm cho những khung cửa thêm sinh động, ấn tượng./.