Italy là một trong những đội đầu tiên vào vòng đấu loại trực tiếp nhờ hai chiến thắng liên tiếp ở vòng bảng, điều chưa từng xảy ra từ EURO 2000.
Đấy là một thành tích tuyệt vời, bởi đội tuyển Thiên Thanh không hề được đánh giá cao trước giải. Nhưng những rắc rối bắt đầu nảy sinh sau trận thắng thứ hai này.
Sau trận thắng Thụy Điển 1-0, Italy có vé vào vòng knock-out của EURO 2016. Trong một cuộc họp báo sau trận, Conte gửi một thông điệp đến các tifosi rằng, “hãy cùng tô điểm chính mình bằng màu Thiên Thanh, màu áo đã từng bị đối xử một cách tệ hại trong quá khứ.”
Thông điệp rất rõ ràng, và có 2 ý. Thứ nhất, các tifosi hãy cổ vũ cho đội tuyển Italy. Thứ hai, là màu cờ sắc áo của đội tuyển Italy không được các tifosi tôn trọng.
Những ai xem hai trận đấu của Italy ở vòng bảng EURO đều nhận thấy điều này: những cổ động viên Bỉ làm đỏ rực một góc sân, các cổ động viên Thụy Điển tô vàng cho những hàng ghế. Còn các tifosi? Màu xanh của họ rải rác và chìm lấp trên những khán đài. Lượng cổ động viên Italy sang Pháp cũng rất ít.
Vấn đề là ở một đất nước lúc nào cũng ham tranh cãi, với các tifosi vốn dành tình yêu của mình cho các câu lạc bộ trong trái tim họ hơn là cho đội tuyển quốc gia, câu nói của Conte, cũng là một người không được đa phần các tifosi yêu mến, đã gây ra một cuộc khẩu chiến trên các phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến cách “đối xử với màu áo Thiên Thanh.”
Một lời tuyên bố thực sự cần thiết của Conte, hay là nó hoàn toàn vô ích và kéo theo một cuộc tranh luận cũng vô ích nốt trên các diễn đàn mạng và trên các phương tiện truyền thông? Daniele Massaro, tiền đạo của đội tuyển Italy ở World Cup 1994 cho rằng, việc mặc lên mình chiếc áo đội tuyển quốc gia để cổ vũ không phải là thói quen của các tifosi, nên lời kêu gọi của Conte có thể sẽ không được đáp ứng.
“Trong quá khứ, không một ai tin tưởng đội tuyển Italy và Conte đã cho thấy họ đã sai lầm. Hãy làm việc tốt và điều quan trọng nhất chính là 11 cầu thủ mặc áo Thiên Thanh đang đá trên sân.”
Thiên Thanh là màu biểu tượng cho sự thống nhất của Italy và không chỉ là màu áo của đội tuyển Italy, mà còn là niềm tự hào của người Italy. Nhưng trong một đất nước mà lịch sử chứng kiến sự chia rẽ vùng miền và những tác động ấy vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, thì điều đương nhiên là thông điệp của Conte có thể khiến nhiều người mang nặng tư tưởng cục bộ địa phương ấy không hài lòng.
Chẳng hạn, nhiều tifosi của Fiorentina đã trả lời trên trang Twitter cá nhân rằng, “đội tuyển quốc gia của tôi mang màu áo tím của Fiorentina.” Giancarlo Antonogni, huyền thoại của Fiorentina và là nhà vô địch thế giới cùng Italy ở World Cup 1982 cho rằng, lẽ ra các tifosi cần ủng hộ Conte hơn là phản đối huấn luyện viên đội tuyển Italy.
“Mặc chiếc áo của đội tuyển quốc gia sẽ khiến chúng ta thêm yêu đội tuyển hơn. Hãy làm như Conte đã nói để tăng cường sự đoàn kết với đội bóng của chúng ta,” Antognoni nói trên kênh truyền hình nhà nước RAI.
Nhà xã hội học Marino Livolsi, tác giả của một cuốn sách bàn luận về đặc tính quốc gia của người Italy, nói trên nhật báo Corriere della Sera rằng, một sân vận động chỉ chìm ngập sắc mầu Thiên Thanh một khi họ chứng kiến đội bóng đã chiến thắng trước đó.
“Các tifosi không đến sân như những người Thụy Điển hay Croatia, những người yêu đội tuyển của họ vô điều kiện và họ làm sáng rực các khán đài bằng màu áo đội tuyển. Nhưng tifosi thì không. Những tranh cãi liên miên đã diễn ra từ nhiều thập kỉ nay về màu cờ sắc áo của đội Italy và thậm chí đã bị chính trị hóa.”
Nhưng tại sao các tifosi đến sân và ít thể hiện sự cuồng nhiệt tại EURO 2016 này, thậm chí, số lượng tifosi sang Pháp năm nay cũng ít hơn nhiều các giải khác? Livolsi cho rằng, Italy là một đất nước kỳ lạ, và cổ động viên Italy cũng thế. “Chỉ khi chúng ta chứng kiến thành tích của đội đang rất tích cực, thì sự cuồng nhiệt mới tăng lên,” ông nói.
Vấn đề như thế nằm ở chỗ, tình yêu luôn cần các điều kiện. Sự đam mê với đội tuyển quốc chỉ tăng lên khi người ta thấy được chiến thắng. Điều đó cũng giống như một đứa con hư chỉ yêu quý mẹ mình sau khi được cho bú. Và thành tích tốt của đội tuyển sẽ đánh tan sự hoài nghi của các tifosi, khiến họ đến sân và phủ một màu xanh thẳm lên các khán đài.
Theo Pasquale Bruno, cựu hậu vệ của Juventus và Torino, người từng có những năm tháng chơi cho đội Hearts ở Scotland, “người Anglo-Saxon có một tình yêu khác hẳn với đội tuyển quốc gia. Đấy là tình yêu vô điều kiện, dù thắng hay thua. Người Italty thì khác, chỉ trở nên yêu nước khi đội chiến thắng.” Do đó, việc họ ồ ạt mặc màu áo xanh Thiên Thanh đến các sân bóng và chiếm một góc lớn thật đẹp trên khán đài là điều không tưởng.
Demetrio Albertini, cựu tuyển thủ Italy và hiện là phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Italy cho rằng, ngay cả việc đến các sân bóng và ủng hộ câu lạc bộ của họ trong màu áo câu lạc bộ cũng là điều không quá phổ biến. “Nhưng tôi hiểu những lời kêu gọi của Conte,” anh nói. “Những cử chỉ nhỏ của tifosi có thể tác động một cách tích cực lên đội tuyển. Tại nhiều nước, ở các giải World Cup hay EURO, các cổ động viên đi theo thành những nhóm lớn. Còn người Italy thì không.”
Giorgio Simonelli, giáo sư về truyền thông của trường Đại học Cattolica ở Milan, thì giải thích sự cổ vũ của các tifosi theo hướng khác. “Tôi thường xuyên theo dõi giải Bundesliga và nhận thấy là, ở Đức, màu sắc là biểu tượng quan trọng để nhận biết giữa các nhóm cổ động viên. Ở Italy thì khác hẳn. Người Italy quan tâm đến khía cạnh sử dụng ngôi ngữ hơn là màu sắc. Ngoài ra, trong khi người Italy hoài nghi vào sức mạnh của đội và chưa vào kỳ nghỉ Hè, thì ở các nước khác, người ta đã lũ lượt đi nghỉ hè và nhân cơ hội này ồ ạt đổ sang Pháp.”
Simonelli nói đúng, và ở EURO này, người Italy rất thưa thớt và trông có vẻ buồn tẻ, không hào hứng, mạnh mẽ, đông đúc và ầm ĩ như fan các đội khác.
Bây giờ, Italy đã vào vòng trong và không còn bị đánh giá thấp nữa. Liệu tình yêu và sự cuồng nhiệt tăng lên sẽ làm cho các tifosi sang Pháp tăng lên hơn nữa, hay là họ chỉ thích ngồi nhà xem tivi và chỉ đợi Thiên Thanh thất bại là quay ra chỉ trích Conte? ./.