Trao đổi với báo chí chiều 15/8 tại Hà Nội, Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, hiện nay, do chưa hiểu rõ về ý nghĩa của lễ Vu Lan và giáo lý đạo Phật nên nhiều người vẫn cho rằng, cần đốt nhiều vàng mã trong dịp này. Đây là một quan niệm sai lầm.
“Lễ Vu Lan có nguồn gốc Phật giáo nhưng trong giáo lý nhà Phật không khuyên con người đốt nhiều vàng mã trong dịp này để báo hiếu, thể hiện lòng biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ,” hòa thượng cho biết.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc đốt nhiều vàng mã sẽ gây tốn kém và ảnh hưởng xấu đến môi trường. Bởi vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi việc thực hành tiết kiệm trong việc sử dụng vàng mã cũng như tổ chức các hoạt động dịp Rằm tháng Bảy (Âm lịch).
[Hà Nội: Đại sứ Mỹ dẫn hai con đến chùa Kim Liên làm lễ Vu Lan]
Lý giải cụ thể hơn về vấn đề này, Hòa thượng Thích Gia Quang cho biết, lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Từ đó, đây là là dịp giáo dục thế hệ sau về đạo lý “uống nước nhớ nguồn,” “ăn quả nhớ người trồng cây,” nhắc nhở con cháu bổn phận ghi nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên…
“Bên cạnh đó, với tinh thần Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, ngày Vu Lan hàng năm cũng là ngày tri ân, báo ân tới những người có công với đất nước, những anh hùng, liệt sỹ đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc với lòng thành kính, biết ơn sâu sắc,” hòa thượng Thích Gia Quang nói.
Bởi vậy, điều cốt lõi trong dịp Vu Lan là cần có cái tâm trong sáng, hướng thiện, lối sống vị tha, biết chăm lo cho những người xung quanh…
Trong dịp này, chương trình Vu Lan “Đạo hiếu và Dân tộc năm 2017” sẽ được tổ chức tối 31/8 tại Nhà hát Lớn (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội).
Chương trình sẽ tôn vinh những tấm gương đạo hiếu tiêu biểu trên cả nước, tri ân các gia đình thương binh, liệt sỹ.
Đại diện ban tổ chức khẳng định: “Chương trình nhằm góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc, đặc biệt là đạo hiếu trong đời sống xã hội hiện nay”./.