Câu chuyện độc đáo bên tượng đài Bác Hồ ở thủ đô nước Nga

Quần thể tượng đài này ra đời ngày 18/5/1990. Đây là địa điểm rất quen thuộc của những người Việt Nam ở Liên bang Nga vào những ngày lễ tết, ngày hội hay những ngày vui của gia đình.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thủ đô Moskva, Liên bang Nga. (Ảnh: TTXVN)

Nằm sừng sững trên Quảng trường Hồ Chí Minh, bên cạnh nhà ga tàu điện ngầm “Hàn lâm” ở thủ đô Moskva của nước Nga là quần thể tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh rất độc đáo.

Quần thể tượng đài này ra đời ngày 18/5/1990 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người.

Đây là địa điểm rất quen thuộc của những người Việt Nam ở Liên bang Nga vào những ngày lễ tết, ngày hội hay những ngày vui của gia đình. Bà con kiều bào người Việt Nam tại Liên bang Nga thường xuyên đến nơi đây để đặt hoa trước tượng đài Hồ Chí Minh.

[Thời đại Hồ Chí Minh - thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt]

Phần chính của quần thể làm bằng đồng và đá hoa cương này là khuôn mặt hiền hậu, mỉnh cười của Bác trong một vòng tròn khổng lồ.

Dưới hình tròn là tượng chàng trai Việt Nam tràn đầy sức sống ở tư thế đang bật đứng lên. Phía sau hình tròn là hai cây tre uốn cong. Chân đế phía dưới tượng đài có ghi câu nói bất hủ của Hồ Chủ tịch bằng tiếng Nga “Нет ничего дороже независимости, свободы” (Không có gì quý hơn độc lập, tự do).

Tác giả của tượng đài là nhà điêu khắc Vladimir Efimovich Tsigal và kiến trúc sư Roman Grigoryevich Kananin.Năm 1985, ông Tsigal đã thăm Việt Nam để tìm hiểu về Hồ Chí Minh cho dự án tạc tượng của mình.

Theo lời kể của ông, sau khi tận mắt thấy những gì ở Việt Nam, ông cho rằng dự án cũ (theo truyền thống) đã không còn phù hợp và ông mường tượng ra quần thể tượng đài khác hẳn với ý tưởng ban đầu.

Nhà điêu khắc Tsigal phân tích vòng tròn của bức tượng là hình tượng mặt trời của Việt Nam, với hàm ý mặt trời Hồ Chí Minh luôn tỏa sáng cho chàng trai Việt Nam mạnh mẽ đang vùng đứng lên.

Cũng theo ông, ý định ban đầu thiết kế tượng là để chàng trai cầm súng. Tuy nhiên sau khi thăm Việt Nam, ông đã quyết định bỏ cây súng, ám chỉ sự vươn lên mạnh mẽ của nước Việt Nam trong thời bình.

Còn hình ảnh hai cây tre uốn cong phía sau bức tượng xuất phát từ quan niệm tre là loài cây đặc trưng của Việt Nam, bền bỉ và dẻo dai, không gãy gục, giống như ý chí và sức mạnh Việt Nam.

Tsigal là nhà điều khắc nổi tiếng của Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay. Ông sinh ngày 17/9/1917 tại Odessa. Năm 1978, ông được phong Họa sĩ nhân dân Liên Xô. Ông cũng là tác giả của hơn 60 tượng đài và nhiều tác phẩm chân dung.

Trong số này có rất nhiều tác phẩm tượng đài nổi tiếng được dựng ở nhiều nước, không chỉ nước Nga. Tsigal mất ngày 4/7/2013 và được an táng tại “Nghĩa trang Danh nhân” ở thủ đô Moskva.

Qua lời kể của chị Phạm Thanh Xuân, giảng viên tiếng Việt tại Đại học Ngoại giao quốc gia Moskva (MGIMO), người từng đưa một đoàn làm phim đến phỏng vấn nhà điêu khắc Tsigal, trong cuộc phỏng vấn, ông còn ám chỉ việc Hồ Chí Minh đã gặp được V.I.Lenin.

Theo ông, Hồ Chí Minh rất kính trọng Lenin, nhưng khi Người đến nước Nga lần đầu tiên thì Lenin đã không còn nữa. Tuy nhiên “số phận” đã để hai vị lãnh tụ này được gặp nhau.

Đó là khi ông Tsigal sáng tác bức tượng Hồ Chí Minh thì cùng vào thời điểm đó cũng trong một xưởng ở Moskva, nhà điêu khắc Baburi cũng sáng tác một bức tượng Lenin rất lớn. Chính vì vậy, họ tin rằng rằng trong điêu khắc, hai vị lãnh tụ này đã gặp nhau.

Chị Phạm Thanh Xuân và một số người Việt lâu năm ở Moskva còn kể cho chúng tôi câu chuyện cảm động của vợ chồng bác Trương Quang Giáo, 82 tuổi, Chủ tịch Hội Người Việt Nam định cư tại LB Nga năm nay và vợ là bà Sveta. Đó là câu chuyện về 3 cây bạch dương trồng trước tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khi một trong 3 cây bạch dương này bị chết, chính bác Trương Quang Giáo và vợ Sveta đã lặng lẽ đưa một cây bạch dương cao hơn 2m từ nhà vườn của bác cách Moskva hơn 80 km đến trồng lại tại quảng trường Hồ Chí Minh.

Theo chị Phạm Thanh Xuân, mặc dù cây khá cao và vận chuyển bằng tàu điện ngầm (metro) rất khó khăn, nhưng hai vợ chồng bác Trương Quang Giáo vẫn quyết tâm và hăng hái thực hiện sứ mệnh này.

Và cuối cùng, hai bác đã đưa được cây bạch dương đến trồng trước tượng đài Bác. Ngày nay, cây bạch dương của vợ chồng bác Trương Quang Giáo – Sveta vẫn xanh tươi và phát triển mạnh mẽ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục