Câu chuyện đặc biệt về "cha đẻ" của cầu Long Biên, Tràng Tiền

"Xứ Đông Dương thuộc Pháp" là những hồi ức của một người đã cai quản cả Đông Dương và từng giữ những chúc vụ quan trọng như Chủ tịch Thượng Viện rồi Tổng thống Đệ tam Cộng Hòa.
Câu chuyện đặc biệt về "cha đẻ" của cầu Long Biên, Tràng Tiền ảnh 1Bìa sách gốc 'Xứ Đông Dương thuộc Pháp.' (Ảnh: Vietnam+)

Paul Doumer (1857-1932) không còn là một cái tên xa lạ với những người quan tâm đến lịch sử Việt Nam giai đoạn thuộc Pháp.

Nhưng nếu kể cả chúng ta có xa lạ với cái tên này, thì những công trình mang dấu ấn của ông, như cầu Long Biên, cầu Tràng Tiền, thành phố Đà Lạt… hẳn cũng không quá xa lạ với người Việt.

Paul Doumer xuất thân trong một gia đình lao động bình thường tại Pháp, nhưng với nỗ lực phi thường, ông trở thành luật gia và ở tuổi 39, ông trở thành Toàn quyền Đông Dương.

Trong toàn bộ quãng thời gian cai quản tại Đông Dương, ông đã để lại không ít công trình bất hủ, trong đó phải kể đến ba cây cầu sắt: Cầu Long Biên ở Hà Nội (lúc đầu có tên gọi là cầu Paul Doumer), Cầu Tràng Tiền ở Huế và cầu Bình Lợi ở Sài Gòn.

Những công trình kỳ vĩ này lúc đầu tưởng chừng có phần điên rồ và hoang tưởng. Nhưng chính ý chí, quyết tâm, lòng kiên trì và tầm nhìn xa của một chính khách không coi thuộc địa mình cai trị như một nơi để bóc lột, mà ngược lại là mảnh đất để thực hiện những tham vọng đã góp phần tạo nên những công trình ấy.

Trong thời gian làm Toàn quyền Đông Dương, Paul Doumer đã ghi lại những nét đặc trưng về đất nước, con người Việt Nam trong cuốn sách "Xứ Đông Dương thuộc Pháp."

"Xứ Đông Dương thuộc Pháp" mang một nội dung đặc biệt. Cuốn sách được đánh giá là một trong những tác phẩm giá trị nhất, đẹp nhất và công phu nhất viết về Đông Dương giai đoạn từ 1897-1902, đặc biệt là về mặt trình bày và minh họa.

Khác với những tác phẩm khác, "Xứ Đông Dương thuộc Pháp" là những hồi ức của một người đã cai quản cả Đông Dương và từng giữ những chúc vụ quan trọng như Bộ Trưởng Tài chính Pháp, Chủ tịch Thượng Viện rồi Tổng thống Đệ tam Cộng Hòa.

Do đó, những đánh giá trong sách vừa mang tình cảm của một học giả dù bận rộn vẫn không quên ghi chép lại những khoảnh khắc đẹp của xứ sở mình gắn bó, vừa có cái tầm của một nhà lãnh đạo lớn.

Cuốn sách gốc xuất bản lần đầu năm 1903, dài 424 trang, bao gồm nhiều minh họa với đề tài thuộc 3 kỳ (Bắc, Trung, Nam) và cả xứ Cao Miên, Miên Hoàng (nay là Campuchia và Lào) được viết rất nghiêm túc.

Điểm đặc biệt là những minh họa này đều được vẽ bằng bút sắt với cách vẽ trau chuốt, khắc họa rõ nhiều địa điểm lịch sử trên khắp Việt Nam vào thời kỳ đó.

Điểm nhấn của "Xứ Đông dương thuộc Pháp" bên cạnh những minh họa sinh động cũng là những nhận xét sắc sảo của một vị Toàn quyền về người Việt mà qua đó độc giả có thể thấy được những đánh giá về chính dân tộc mình: "Điều không thể chối cãi được là những người này (người Việt) hơn hẳn tất cả các dân tộc xung quanh. Người Miên, Lào, Xiêm không chống được họ. Không một dân tộc nào ở đế quốc Ấn Độ có những đức tính của họ, phải tới Nhật mới thấy có một giống người tương đương. Người Việt và người Nhật chắc chắn thủa xưa có bà con với nhau. Cả hai đều thông minh, cần mẫn và can đảm."

Không xuất bản thứ “của hiếm” này hẳn sẽ là một thiếu sót đáng tiếc. Tuy nhiên cũng như nhiều cuốn sách có giá trị song kén độc giả khác, "Xứ Đông dương thuộc Pháp" khó xuất bản được theo hình thức thông thường.

Với mong muốn đem đến cho bạn đọc không chỉ tác phẩm đẹp, quý, mang giá trị lâu dài này, VICC kết hợp với Alpha Books thành lập dự án Crobo.vn - Chung tay làm sách hay là hình thức kêu gọi tài trợ cho dự án xuất bản sách bằng cách hỗ trợ một phần kinh phí xuất bản sách hoặc đặt mua sách trước, nhằm tạo điều kiện cho các cuốn sách có giá trị song kén độc giả có cơ hội ra mắt bạn đọc.

Chương trình tài trợ cho cuốn sách "Xứ Đông dương thuộc Pháp" hiện đang diễn ra trên website www.crobo.vn và sẽ kết thúc vào 31/12.

Và hơn cả việc gìn giữ một cuốn sách đặc biệt, việc chuyển thể "Xứ Đông Dương thuộc Pháp" cũng là một cách tri ân những đóng góp của chính Paul Doumer với Việt Nam, hay mong mỏi về việc tái hiện lại một Đông Dương rất đáng nhớ trong ký ức của không ít người./.

Câu chuyện đặc biệt về "cha đẻ" của cầu Long Biên, Tràng Tiền ảnh 2Cầu Doumer (nay là cầu Long Biên) dài 1680m được đăng trên báo Le Gesnie Civil ngày 3/4/1909
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục