Ông Đỗ Văn Rồng (ấp Thuận Phú 1, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú) là tấm gương nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế một cách bền vững nhờ áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Gần 20 năm qua, ông liên tục được Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam tặng bằng khen và công nhận "Nông dân sản xuất giỏi cấp Quốc gia."
Là một người lính từng kinh qua chiến tranh và cả một quá trình lập nghiệp trên vùng đất cao su Phú Riềng, ông Đỗ Văn Rồng chia sẻ những ngày đầu đầy gian khó: “Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi từng hai lần tham gia nghĩa vụ, trong đó từng chiến đấu tại chiến trường Thừa Thiên-Huế ác liệt năm 1972. Tuy nhiên, sau ngày toàn thắng, xuất ngũ trở về, tôi còn đối mặt với một 'cuộc chiến' khác khi đưa gia đình vào Bình Phước xây dựng kinh tế mới. Câu nói 'cao su đi dễ khó về' thật đúng với hoàn cảnh của tôi trong những ngày đầu lập nghiệp ở đây những năm 80 thế kỷ trước vốn còn rất thưa người."
“Gian nan mới tỏ mặt anh hùng," ai đó đã từng nói câu này thật đúng với hoàn cảnh của ông Đỗ Văn Rồng. Từ Huế, ông mang vào vùng đất mới 10 thùng đại liên (thùng cỡ lớn của quân đội) mắm tôm, cả gia đình dùng dần cho qua những ngày thiếu thốn. Dù khắc nghiệt về khí hậu nhưng có điều thuận lợi là vùng đất đỏ Phú Riêng lại được ưu đãi về thổ nhưỡng nên có thể thích nghi được với nhiều loại cây. Giai đoạn đầu, còn nhiều khó khăn về vốn, ông Rồng đã áp dụng chiến lược canh tác lấy ngắn nuôi dài, “lấy cây này nuôi cây kia," linh hoạt trong sản xuất, canh tác giúp tạo nền tảng bền vững cho cơ cấu cây trồng.
Không phụ sức người, gia đình ông Rồng dần tích lũy được vốn, tiếp tục mở rộng diện tích canh tác, chủ yếu về cao su và điều. Thực tế, giá cả cao su hay điều cũng như nhiều sản phẩm nông nghiệp khác luôn có nhiều biến động nhưng với ông Rồng, chiến lược sản xuất của ông là không phụ thuộc vào giá cả, tạo sự chủ động trong sản xuất. Bao nhiêu năm làm kinh tế, ông luôn tự học hỏi, cập nhật các kiến thức về cây trồng để có những cách thức chăm sóc hợp lý, mang lại năng suất cao nhất.
Thời điểm cuối những năm 1990, ông Đỗ Văn Rồng đã có 25ha trồng điều và cao su, trong đó diện tích điều chiếm 7ha, cho thu nhập 400 triệu đồng/năm từ cao su, 100 triệu đồng từ cây điều theo thời giá lúc bấy giờ. Khi cao su xuống giá, ông tiến hành trồng mới với chất lượng giống được kiểm định chặt chẽ từ Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú, đồng thời áp dụng những biện pháp khoa học kỹ thuật mới trong canh tác.
Do vậy, tỷ lệ số cây chết là rất thấp chỉ với 12/6.000 cây trồng mới. Dẫn chúng tôi thăm vườn cao su, ông Rồng chia sẻ: “Thông thường qua năm thứ tám cao su mới bắt đầu cạo (cho thu hoạch), nhưng cao su của tôi nhờ giống tốt, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên chỉ bước sang năm thứ bảy đã có thể cạo được. Đặc biệt, mức khai thác năm đầu theo quy định là 45-50% tổng số cây, nhưng lứa cao su mới này ngay năm đầu lên tới 80%."
Bên cạnh cao su, năng suất điều mà ông Rồng làm được hàng chục năm qua luôn đạt mức 3-3,5 tấn/ha, hơn hẳn so với năng suất thông thường 2-2,5 tấn/ha.
Hơn 70 tuổi, hàng ngày ông Đỗ Văn Rồng vẫn đều đặn vào rẫy, cùng với công nhân chăm sóc vườn cao su, điều của mình. Giai đoạn khó khăn đã qua đi rất lâu rồi, nhiều năm qua ông Rồng thường dành thời gian hướng dẫn, truyền lại kinh nghiệm sản xuất cho bà con nông dân trong vùng và các địa phương lân cận. Mọi người cũng biết đến ông là một người nổi tiếng có tinh thần tương thân tương ái, luôn sẵn sàng tham gia các hoạt động từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, trẻ em lang thang cơ nhỡ…
Để tri ân những đồng đội năm xưa của mình, năm 2017 vừa qua, ông Rồng đã nhiều lần tự tổ chức các chuyến đi thăm Huế, tham gia quyên góp, xây dựng đài liệt sỹ cho đồng đội trong Tiểu đoàn 804, vốn là tiểu đoàn chủ lực của Thừa Thiên-Huế thuộc Quân khu 4, từng được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1975…/.