Cậu bé 11 tuổi và phát minh có sức ảnh hưởng đến cả thế giới

Vào một đêm mùa Đông lạnh giá tại San Francisco, Mỹ, cậu bé Frank Epperson đã trộn bột soda ngọt với nước, sau đó để quên cả cốc nước soda cùng chiếc que trộn ở bên ngoài cho đóng băng qua đêm.
Cậu bé 11 tuổi và phát minh có sức ảnh hưởng đến cả thế giới ảnh 1Frank Epperson và bài báo giới thiệu phát minh của mình. (Nguồn: FYI)

Kem que đã trở thành một món đồ giải khát không thể thiếu vào mùa Hè, có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới, từ những thủ đô hoa lệ đến những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh.

Những ít người biết rằng ý tưởng ban đầu về kem que lại đến một cách hết sức tình cờ từ một cậu bé 11 tuổi.

Vào một đêm mùa Đông năm 1905 lạnh giá tại San Francisco, Mỹ, cậu bé Frank Epperson đã trộn bột soda ngọt với nước, sau đó để quên cả cốc nước soda cùng chiếc que trộn ở bên ngoài cho đóng băng qua đêm.

Ngày hôm sau, khi nếm thử hỗn hợp đóng băng trên, Frank nhận thấy nó có hương vị rất hấp dẫn, và cậu nảy ra ý tưởng làm thêm nhiều loại nước khác nhau rồi để đông lạnh với chiếc que cắm vào giống như kẹo mút, và bán cho những người bạn đồng lứa của mình.

Cậu thậm chí còn đặt tên cho sản phẩm là Eppsicles (theo tên mình). Không giống như nước đường đông lạnh thông thường, Frank sử dụng nước soda nên khi ăn kem có hiệu ứng "nổ" rất thú vị.

Tuy nhiên, dù nhanh chóng nhận ra lợi ích từ ý tưởng này, Frank lại chỉ hài lòng với mô hình kinh doanh nhỏ lẻ trong khu phố trong vòng 20 năm mà không nhận ra rằng mình đã vô tình tạo ra thứ sau này trở thành món đồ uống bán chạy nhất mọi thời đại mỗi khi mùa Hè đến.

Cuối cùng, vào năm 1923, anh đã đăng ký và được cấp bằng sáng chế cho một thứ "băng đông lạnh gắn trên một cái que," gọi tên nó là Eppsicle và bắt đầu sản xuất loại kem đông lạnh với nhiều hương vị khác nhau, rồi bán tại một cửa hàng trên bãi biển gần đó.

Cái tên Popsicle lại là một sự tình cờ khác. Vào những năm 1920, Epperson có con. Chúng gọi anh bằng biệt danh "Pop." Và đó cũng là nguyên nhân để cho ra đời những sản phẩm mang tên anh - Pop's sicles.

Không hoàn toàn là một câu chuyện cổ tích với kết thúc có hậu

Chỉ hai năm sau khi nhận bằng sáng chế cho phát minh của mình, Epperson đã bán thương hiệu Popsicle cho công ty Joe Lowe có trụ sở tại New York, chuyên về bánh và kem.

Nhưng điều đáng buồn là đây không phải là cái kết có hậu của một kẻ chiến thắng, mà là hành động của một người đàn ông đang tuyệt vọng. Sau khi bán thương hiệu, Epperson tuyên bố: "Tôi đã mất sạch mọi thứ và phải thanh lý toàn bộ tài sản của mình."

[Hàn Quốc ghi nhận kỷ lục xuất khẩu và nhập khẩu kem vì nắng nóng]

Công ty Joe Lowe sau này đã tiến vào thị trường bánh kẹo đông lạnh, bán Popsicle với giá 5 xu một chiếc, trở thành một thương hiệu dẫn đầu trong danh mục các món tráng miệng đông lạnh và đảm bảo vị trí của mình tại Americana.

Tuy nhiên, cuộc Đại suy thoái bắt đầu vào năm 1929 đã khiến ngay cả nước đường đông lạnh cũng trở thành một thứ xa xỉ. Và để tiết kiệm chi phí đóng gói riêng lẻ, Joe Lowe đã cho ra mắt loại kem que sinh đôi. Popsicle được bán thành một cặp để hai đứa trẻ có thể mua chung 2 chiếc Popsicle với giá rẻ gần như một nửa.

Đến năm 1965, Joe Lowe bán Popsicle cho Consolidated Foods. Sau nhiều lần đổi chủ, đến năm 1989, Unilever đã trở thành chủ sở hữu thương hiệu này.

Hiện nay ở Mỹ và Canada, người ta vẫn sử dụng từ popsicle để chỉ những thức uống đông lạnh gắn trên đầu một chiếc que. Sự phổ biến của thương hiệu Popsicle đã biết từ ngữ này thành một thuật ngữ chung để chỉ kem que.

Ngoài ra, kem que còn được người Mỹ gọi là "ice pop" hay "freezer pop." Người Anh thì có cụm từ "ice lolly" trong khi người Ireland gọi là "pop pop."

Epperson qua đời vào năm 1983 và được an táng tại Nghĩa trang Mountain View ở Oakland, California.

Mộ phần của ông cũng được giới thiệu đến các khách tham quan với tư cách là nơi an nghỉ của một biểu tượng ẩm thực, cùng với những cái tên danh giá khác của San Francisco cũng an táng tại nghĩa trang này như Domenico Ghirardelli và Victor "Trader Vic" Bergeron.

Frank Epperson có thể đã ra đi, nhưng ông không bị lãng quên khi mỗi năm, nhân loại vẫn đang tiêu thụ đến 2 tỷ que kem.

Hơn thế nữa, bất chấp bao nhiêu hương vị và công thức kem xuất hiện sau này, nước soda đóng băng trên một cái que vẫn là một hương vị kem nguyên bản được nhiều người ưa thích.

Và sự tiện lợi cũng như chi phí rẻ của nó còn giúp cho hàng trăm triệu trẻ em nghèo tại các nước kém phát triển được tiếp cận với niềm vui của mùa Hè như những người bạn đồng trang lứa khác may mắn hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục