Cúng Rằm tháng Giêng, cầu nguyện cho một năm mới an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng là nét đẹp văn hóa của người Việt.
Vào ngày này, bên cạnh việc chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên, nhiều người còn đi lễ chùa, với quan niệm "lễ Phật cả năm không bằng Rằm tháng Giêng."
Năm nào cũng vậy, cứ đến Rằm tháng Giêng, nhiều đền, chùa, di tích lịch sử ở Hà Nội như đền Quán Thánh, các chùa Quán Sứ, Trấn Quốc, Phúc Khánh, phủ Tây Hồ... lại nườm nượp người đi lễ.
Tuy nhiên, năm nay, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, nhiều địa phương đã đóng cửa các di tích lịch sử để hạn chế người dân tụ tập đông người, phòng, chống dịch COVID-19.
[Thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch trong tháng lễ hội Xuân]
Liên tiếp trong gần một tháng qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch COVID-19 trong tháng lễ hội Xuân Tân Sửu.
Ngay từ cuối tháng 1/2021, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã yêu cầu Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các địa phương quán triệt, kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở tự viện tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Xuân Tân Sửu
Theo sát diễn biến tình hình dịch bệnh, theo chỉ đạo của Chính phủ, của Ủy ban nhân dân các tỉnh trong việc thực hiện các hoạt động Phật sự tại chùa, cơ sở tự viện tại các địa phương.
Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng yêu cầu mọi người dân khi đến chùa phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn.
Các chùa, cơ sở tự viện thực hiện khai báo y tế, tự cách ly và theo dõi sức khỏe nếu đi qua vùng dịch. Nâng cao nhận thức về nguy cơ lây nhiễm, bùng phát của dịch COVID-19 cho cộng đồng phật tử và nhân dân; kêu gọi người dân phát giác các trường hợp nhập cảnh trái phép để phòng, chống nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lễ cầu nguyện quốc thái dân an, nguyện cầu bình an, mong muốn sức khỏe, hạnh phúc, an lạc, khát vọng phát triển, mọi sự hanh thông trong dịp đầu Xuân năm mới là truyền thống văn hóa tâm linh, nhu cầu của mỗi người Việt Nam.
Tuy nhiên, Tết cổ truyền dân tộc năm nay diễn ra trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 lây nhiễm phức tạp trong nước.
Trước tình hình trên, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề nghị toàn thể tăng, ni, phật tử các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước thực hiện Tết "5K" (Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung-Khai báo y tế) để cầu nguyện quốc thái dân an, dịch bệnh sớm bị tiêu trừ, đem lại sự bình an, may mắn cho mọi người, mọi nhà, cho toàn xã hội trong năm mới Tân Sửu.
Các chùa, cơ sở tự viện và các tăng, ni cần chia nhỏ các khóa lễ cầu an làm nhiều buổi, không tập trung đông người; không tổ chức đông tín đồ hành hương tới nhiều địa phương, nhất là các địa điểm nằm trong vùng dịch.
Các khóa lễ cầu an phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung nghi lễ không đúng chính pháp của Phật giáo.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ nhất Phó Pháp chủ, Trưởng ban Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, đã chỉ đạo các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo quận, huyện; tăng, ni trụ trì các tự viện; Ban Quản trị, Ban Quản lý các cơ sở Phật giáo tiếp tục tiếp tục tăng cường, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Mỗi tự viện cần có thông báo chung tại cơ sở về việc hạn chế số lượng thành viên tham dự, thực hiện nghiêm “Thông điệp 5K” đối với các sinh hoạt tôn giáo theo quy định chung của Chính phủ, Bộ Y tế và chính quyền thành phố.
Chư tôn đức quản lý có trách nhiệm tại các cơ sở cần kết hợp với chính quyền sở tại thực hiện công tác điều tiết phù hợp về số lượng người đến lễ chùa, tham quan trong dịp Rằm tháng Giêng năm Tân Sửu 2021.
Trên thực tế, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, một số tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản tạm dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo ở các cơ sở thờ tự tôn giáo trên địa bàn để phòng, chống sự lây lan của dịch COVID-19.
Các chùa, cơ sở thờ tự Phật giáo đã thực hiện tốt các Chỉ thị của Chính phủ và các văn bản quy định của chính quyền địa phương.
Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân trong dịp đầu năm mới, đồng thời bảo đảm công tác phòng, chống dịch, Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến khích các chùa tổ chức khóa lễ cầu an theo hình thức trực tuyến, các tăng, ni, phật tử cần ứng dụng các hình thức online thông qua các nền tảng mạng xã hội của Giáo hội như Giác Ngộ Online, Phật giáo.Org, Phật sự Online, mạng xã hội Butta...
Sáng 25/2 (tức 14 tháng Giêng năm Tân Sửu), tại chùa Quán Sứ, trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một khóa lễ cầu an trực tuyến đã được tổ chức để phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân.
Theo thông báo của chùa Phúc Khánh, nơi có hàng nghìn người dân tập trung về lễ chùa vào dịp Rằm tháng Giêng, nhà chùa sẽ tổ chức lễ cầu an trực tuyến vào 20 giờ ngày 25/2.
Thượng tọa Thích Đức Thiện nhận định hình thức cầu an, tụng kinh online đã có những thay đổi tích cực rõ rệt, nhiều ngôi chùa, các đạo tràng và bà con phật tử rất ủng hộ. Mọi người hiểu được việc thực hành nghi lễ cốt ở cái tâm, dù làm trực tuyến nhưng thỏa mãn được nhu cầu tâm linh.
Theo Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, các chùa trên địa bàn tỉnh tổ chức nghi thức cầu nguyện quốc thái dân an bằng hình thức trực tuyến. Khu danh thắng Yên Tử không tổ chức khai hội Xuân năm 2021 và đã tạm dừng đón khách kể từ ngày 15/2./.