Nhật báo Khmer Times (Campuchia) ngày 13/2 đăng bài xã luận đáng chú ý, phân tích về thực trạng và biện pháp đối phó của Campuchia sau khi Liên minh châu Âu (EU) chính thức chấm dứt một phần ưu đãi thương mại theo chương trình “Tất cả trừ vũ khí” (EBA) dành cho Campuchia. Nội dung bài xã luận như sau:
Đúng như dự kiến, ngày 12/2, Ủy ban châu Âu (EC) đề nghị thu hồi một phần ưu đãi thương mại theo EBA dành cho Campuchia.
Việc rút ưu đãi thuế quan và thay thế bằng thuế quan tiêu chuẩn EU (Tối huệ quốc-MFN) sẽ làm ảnh hưởng đến các sản phẩm dệt may, da giày cũng như tất cả ngành hàng hóa dịch vụ, du lịch, mía đường. Tổn thất thương mại chiếm khoảng 1/5 giá trị hàng xuất khẩu hàng năm của Campuchia vào thị trường EU (tương đương khoảng 1,09 tỷ USD).
Nếu Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu không phản đối, quyết định này sẽ có hiệu lực vào ngày 12/8/2020.
Campuchia hiện là quốc gia hưởng lợi lớn thứ hai trong các ưu đãi thương mại EBA của EU. Năm 2018, Campuchia đã xuất khẩu khoảng 6 tỷ USD sang thị trường EU theo chương trình EBA với các sản phẩm chính gồm quần áo và hàng dệt may chiếm khoảng 3/4 tổng sản lượng xuất khẩu.
Có thể hạn chế được các tác động kinh tế thực sự thông qua tư duy và những biện pháp kiên quyết. Vấn đề quan trọng hiện nay mà Campuchia phải đối mặt là tác động tâm lý.
Xã hội Campuchia thường dễ bị rơi vào bất ổn bởi tin tức giả. Ngành may mặc Campuchia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. EBA đã thúc đẩy sự bùng nổ xuất khẩu, giúp nền kinh tế tăng trưởng ổn định 7% mỗi năm và giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo.
Việc chấm dứt một phần EBA làm cho xuất khẩu giảm tính cạnh tranh và có thể khiến hàng chục nghìn công nhân có nguy cơ mất việc, kéo theo giảm tăng trưởng kinh tế. Khoảng 2 triệu người Campuchia phụ thuộc vào ngành dệt may, bao gồm 750.000 công nhân.
[Campuchia “gồng mình” trước nguy cơ bị EU rút ưu đãi EBA]
Sự hoảng loạn xã hội có thể dẫn đến giảm đáng kể tiêu dùng và đầu tư trong nước. Trong thương mại với EU, chi phí sản xuất và chi phí thương mại là hai yếu tố quan trọng làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và tính bền vững của tăng trưởng xuất khẩu đối với nền kinh tế Campuchia.
Lập luận của EC
EC cho biết quyết định của họ dựa trên các vi phạm nhân quyền của Campuchia, đồng thời bảo đảm các mục tiêu phát triển kế hoạch thương mại của EU. EC nhận thấy sự cần thiết phải tiếp tục hỗ trợ Campuchia phát triển kinh tế và đa dạng hóa xuất khẩu.
Tất cả các ngành công nghiệp mới nổi ở Campuchia sẽ tiếp tục được hưởng ưu đãi miễn thuế, hạn ngạch vào thị trường EU. Hàng may mặc có giá trị gia tăng cao và một số loại giày dép nhất định cũng sẽ tiếp tục được hưởng quyền ưu đãi miễn thuế, hạn ngạch vào thị trường EU.
Bất ổn ngắn hạn
Lực lượng đối lập tại Campuchia đã làm phức tạp tình hình bằng cách kích động sự bất mãn của người dân và sự phản kháng trên khắp đất nước, đặc biệt trong lực lượng lao động vốn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi việc chấm dứt một phần EBA.
Kinh tế và chính trị có thể hỗn loạn trong ngắn hạn, nhưng trong trung và dài hạn, việc loại bỏ EBA có thể tạo ra động lực cho cải cách ở cả khu vực công và tư.
Việc "mất" EBA có khả năng kéo theo sự sụt giảm sản lượng và năng suất trong trung hạn, đồng thời làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và bất bình đẳng, từ đó dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội. Quan trọng hơn, nó gây nguy hiểm cho quy chế MFN mà Mỹ cấp cho Campuchia.
Làm thế nào để đối phó?
Thứ nhất, Chính phủ Hoàng gia Campuchia cần bơm nguồn tài chính vào các lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng bằng cách giảm chi phí sản xuất và cung cấp trợ cấp nếu cần thiết.
Để đạt được mục đích này, khoảng 3 tỷ USD được dành cho kích thích tài khóa để đối phó với khả năng suy giảm. Chính phủ có kế hoạch tăng doanh thu tăng từ thuế, hải quan và thuế tiêu thụ đặc biệt hơn 20% trong năm nay.
Thứ hai, chính phủ phải đầu tư mạnh vào phát triển kỹ năng cho những người lao động sẽ bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa một số nhà máy không thể cạnh tranh trong thị trường EU.
Thứ ba, chính phủ cần đa dạng hóa và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia và khu vực khác.
Để xây dựng khả năng phục hồi kinh tế, Campuchia cũng cần đa dạng hóa các đối tác kinh tế. Thương mại với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tăng lên và vẫn còn cơ hội phát triển.
Campuchia và Trung Quốc hiện thảo luận về một hiệp định thương mại tự do. Nếu hiệp định được ký, nó sẽ tạo tiền lệ tốt cho các hiệp định thương mại tự do song phương với các quốc gia khác.
Xúc tác cho công cuộc cải cách triệt để
Việc loại bỏ một phần EBA có thể được coi là cơ hội hoặc chất xúc tác cho những cải cách triệt để và toàn diện, không nên bị coi là một trong những điều có thể hoặc sẽ làm tê liệt nền kinh tế. Riêng phí không chính thức đã đóng góp đáng kể vào chi phí sản xuất cho cả các dự án đầu tư nước ngoài và trong nước.
Phí logistic và điện tương đối cao so với các nước láng giềng như Thái Lan và Việt Nam. Do đó, việc giảm tham nhũng và phí không chính thức là rất cấp bách và tạo điều kiện cho môi trường đầu tư, đồng thời cải thiện các dịch vụ liên quan đến hậu cần và cung cấp điện lưới.
Hùng biện
Một số phương tiện truyền thông trực tuyến và thậm chí là các chính trị gia nên kiềm chế đưa ra những lời hoa mỹ vì điều này có thể gây ra sự phẫn nộ nhiều hơn giữa các nước thành viên EU và các đại sứ tại đây.
Dù thế nào, Campuchia vẫn phải phụ thuộc vào EU và Mỹ trong lĩnh vực xuất khẩu. Chỉ thủ tướng mới có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn đưa ra quan điểm về những việc cần phải làm, các cơ quan cấp dưới không nên "đổ thêm dầu vào lửa" bằng cách đưa ra những bình luận không đúng đắn gây hại cho lợi ích của Campuchia./.