Cắt giảm tối đa thủ tục để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư công còn vướng mắc, bất cập để đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm đẩy nhanh giải ngân.
Cắt giảm tối đa thủ tục để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công ảnh 1Công trình Đường tỉnh 931 (đoạn từ Quốc lộ 61C đến thị trấn Vĩnh Viễn, Hà Giang) đã được thi công trở lại sau thời gian nghỉ giãn cách. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất vốn đầu tư công năm 2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, tăng cường làm việc trực tuyến để tiết kiệm thời gian, chi phí và không gây phiền hà cho các bộ, cơ quan, địa phương.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư công còn vướng mắc, bất cập để đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 10, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước tính đạt 41.700 tỷ đồng, tăng 18,6% so với tháng Chín. Lũy kế 10 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 318.600 tỷ đồng, bằng 64,7% kế hoạch năm và giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 67,8% và tăng 31,6%).

“Việc các biện pháp giãn cách dần được nới lỏng, cùng với các bộ, ngành và địa phương đang nỗ lực tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình đầu tư công đã giúp hoạt động này được cải thiện trong tháng," Tổng cục Thống kê đánh giá.

Cụ thể, vốn Trung ương quản lý đạt 56.000 tỷ đồng, bằng 66,6% kế hoạch năm và giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Vốn địa phương quản lý đạt 262.600 tỷ đồng, bằng 64,3% kế hoạch năm, giảm hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn ngân sách Nhà nước địa phương, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 175.900 tỷ đồng, bằng 61,4% và giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

[Bộ GTVT yêu cầu rà soát kế hoạch giải ngân vốn dự án giao thông]

Xét theo các bộ ngành, trong tháng 10, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước của Bộ Giao thông và Vận tài đạt cao nhất, ước tính hơn 3.911 tỷ đồng, lũy kế mười tháng là hơn 28.138 tỷ đồng. Tiếp đến là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với 429 tỷ đồng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước trong tháng 10.

Các bộ tiếp theo là Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương... với vốn đầu tư lần lượt là 278 tỷ đồng; 152 tỷ đồng; 116 tỷ đồng và 85 tỷ đồng trong tháng 10.

Xét theo địa phương, tính cả tháng 10  và lũy kế mười tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước của Hà Nội dẫn đầu cả nước. Ước tính thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 10 của Hà Nội đạt 3.800 tỷ đồng và lũy kế mười tháng đạt 32.322 tỷ đồng, bằng 63,6% kế hoạch năm.

Trong các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Định có vốn đầu tư thực hiện tăng. Trong mười tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước Quảng Ninh 14.770 tỷ đồng, bằng 81,4% và tăng 12,8% so với cùng kỳ; Hải Phòng 9.916 tỷ đồng, bằng 73,6% và tăng 12,2%; Bình Định 6.086 tỷ đồng, bằng 74,1% và tăng 0,2%. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giải ngân được 7.387 tỷ đồng, bằng 68% và tăng 14,1%.

Nhằm đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất vốn đầu tư công năm 2021, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra; khẩn trương rà soát, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại bộ, cơ quan, địa phương mình.

Bên cạnh việc thúc đẩy giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực, lãng phí; đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân vốn đầu tư công của bộ, cơ quan, địa phương thuộc phạm vi quản lý.

Cùng với đó, các đơn vị tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thủ tục về đầu tư công, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn bất cập để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền; hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định, nhất là quy định về xây dựng, đất đai, tài nguyên…

Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư và Tổ công tác đặc biệt về giải ngân đầu tư công tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tăng cường nắm tình hình, bám sát thực tiễn, đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc, bất cập trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục