Cắt giảm số lượng giấy tờ tùy thân, tạo thuận lợi cho người dân

Sau khi hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào khai thác, sử dụng, chỉ với duy nhất thẻ Căn cước công dân, người dân có thể thực hiện tất cả các thủ tục hành chính.
Cắt giảm số lượng giấy tờ tùy thân, tạo thuận lợi cho người dân ảnh 1Đông đảo người dân đến làm thủ tục cấp đổi miễn phí Giấy chứng minh dân nhân tại xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)

Thủ tục hành chính tại Việt Nam hiện hầu hết được thực hiện thủ công thông qua việc xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ như sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn,... dẫn đến nhiều phiền hà cho người dân, lãng phí lớn cho xã hội.

Trước nhu cầu cấp thiết áp dụng công nghệ thông tin trong đơn giản hóa thủ tục hành chính, Chính phủ đã giao Bộ Công an triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hướng đến quản lý, cung cấp các thông tin cơ bản về người dân một cách chính xác, nhất quán thông qua một Số định danh cá nhân duy nhất, đồng thời tiến tới việc cắt giảm số lượng giấy tờ tùy thân mà người dân phải tự quản lý như sổ hộ khẩu giấy hay chứng minh nhân dân... đã tồn tại hàng chục năm qua.

Thủ tục hành chính thủ công gây lãng phí lớn cho xã hội

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong 5.400 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành có khoảng gần 1.600 thủ tục hành chính yêu cầu khai thông tin, xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao hoặc bản sao có chứng thực giấy tờ công dân.

Với quy mô dân số lên tới hơn 90 triệu dân, nhu cầu chứng minh về nhân thân trong các giao dịch hành chính công của người dân được thực hiện trung bình khoảng 600.000 lượt giao dịch/ngày với việc xuất trình và nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ về nhân thân.

Theo đánh giá của Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72, Bộ Công an), thủ tục hành chính chủ yếu được thực hiện thủ công, hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính chưa được chia sẻ, sử dụng chung nên đã tạo ra gánh nặng hành chính lên tới hàng ngàn tỷ đồng/năm cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia vào các giao dịch hành chính. Đây là một lãng phí lớn cho xã hội, là một trong những trở lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam trong hiện tại và tương lai nếu không có một sự đột phá mang tính chiến lược về cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát của C72 cho thấy sự biến động về dân cư là hết sức phức tạp và khó quản lý. Điều này gây ra một áp lực rất lớn đối với công tác quản lý cư trú, thông tin biến động về địa chỉ rất khó kiểm soát và cập nhật kịp thời đối với hệ thống quản lý thủ công hiện tại.

Hiện nay, Việt Nam chưa có một hệ thống quản lý dân cư quy mô toàn quốc. Một số tỉnh, thành đã triển khai xây dựng hệ thống quản lý dân cư như Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh... Tuy nhiên, các hệ thống này chưa hoàn chỉnh, khó khăn khi đưa vào sử dụng trên quy mô toàn tỉnh, thành vì nhu cầu khai thác rất đa dạng nên thiếu đồng bộ, thống nhất về kỹ thuật, công nghệ và chưa đủ nguồn lực...

Những yêu cầu thực tế trong công tác quản lý dân cư, cải cách thủ tục hành chính cho người dân đòi hỏi Chính phủ phải nghiên cứu các phương pháp tiên tiến, áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật phát triển để thực hiện các nhiệm vụ trên, trong đó nổi bật là xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua thiết bị công nghệ thông tin, phương pháp đang được nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới (như Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Hà Lan, Singapore…) sử dụng.

Cắt giảm số lượng giấy tờ tùy thân, tạo thuận lợi cho người dân ảnh 2(Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước chuẩn)

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 896 phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020.

Năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước công dân (có hiệu lực từ 1/1/2016), quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản nhất của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ Công an thống nhất, quản lý.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP, trong đó, Chính phủ thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Giải quyết thủ tục hành chính với một số định danh cá nhân duy nhất

Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), dự án hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được triển khai xây dựng sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, và trước mắt là quản lý, cung cấp các thông tin cơ bản về người dân một cách chính xác, nhất quán thông qua một số định danh cá nhân duy nhất, đồng thời, tiến tới việc cắt giảm số lượng giấy tờ tùy thân mà người dân phải tự quản lý bằng một thẻ căn cước công dân thống nhất.

Hiện nay, việc quản lý dân cư do nhiều bộ, ngành cùng thực hiện để phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước. Để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân trong từng ngành, lĩnh vực, các cơ quan quản lý nhà nước đều cấp cho công dân một loại giấy tờ. Chính vì thế, công dân có thể sở hữu nhiều loại giấy tờ với những con số khác nhau: Giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe các loại, chứng chỉ...

[Bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh thư là thông tin không chính xác]

Thông tin trong các loại giấy tờ này có nội dung trùng lặp (họ, tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, quốc tịch...) nhưng khi tham gia giao dịch lại không thể sử dụng một trong các giấy tờ công dân để chứng minh tình trạng nhân thân của mình.

"Sau khi hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào khai thác, sử dụng, chỉ với duy nhất thẻ Căn cước công dân, người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính, thay vì phải xuất trình nhiều loại giấy tờ, sao y, công chứng như hiện nay," Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết.

Bên cạnh đó, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào khai thác, sử dụng, số liệu có tính cập nhật từ cơ sở dữ liệu này giúp cho công tác thống kê, hoạch định xây dựng chính sách, cơ chế và kế hoạch phát triển hằng năm được thực hiện nhanh chóng, đáp ứng tình hình thực tế của trong nước và quốc tế. Ví dụ cắt giảm các cuộc tổng điều tra dân số định kỳ 10 năm/1 lần như hiện nay hay điều tra về nhân khẩu học của các ngành khác.

Trung tướng Vệ cho biết thêm hiện nay việc cấp thẻ căn cước công dân đang được thực hiện tại 16 địa phương nhưng từ ngày 1/1/2020 sẽ cấp căn cước công dân trong toàn quốc. Lúc đó, có những người dân đang dùng chứng minh nhân dân vẫn được phép sử dụng tới khi hết thời hạn chứ không bắt buộc phải đi đổi ngay sang thẻ căn cước công dân. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Chính phủ giao Bộ Công an triển khai, xây dựng từ năm 2012. Hệ thống dữ liệu này phấn đấu trong vòng 2-3 năm tới sẽ hoàn thành.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục