Cắt giảm khí thải: Nhiệm vụ năm 2018 'nhường' lại cho 2019

Sau hai tuần đàm phán, các quan chức từ gần 200 quốc gia hôm 15/12 đã đồng ý về các quy tắc phổ quát, minh bạch sẽ chi phối các nỗ lực cắt giảm khí thải và kiềm chế sự nóng lên của khí hậu.
Cắt giảm khí thải: Nhiệm vụ năm 2018 'nhường' lại cho 2019 ảnh 1Các đại biểu tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2018 (COP24) ở thành phố Katowice, Ba Lan, ngày 4/12/2018. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo AP, sau hai tuần đàm phán khẩn trương, các quan chức từ gần 200 quốc gia hôm 15/12 đã đồng ý về các quy tắc phổ quát, minh bạch sẽ chi phối các nỗ lực cắt giảm khí thải và kiềm chế sự nóng lên của khí hậu toàn cầu.

Thỏa thuận đạt được tại các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc ở Katowice, Ba Lan, cho phép các nước đưa ra hành động theo các nguyên tắc có trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu 2015.

Tuy nhiên, trước sự thất vọng của các nhà hoạt động môi trường và một số quốc gia đang thúc giục đẩy mạnh các mục tiêu khí hậu nhiều tham vọng hơn, các nhà đàm phán đã trì hoãn việc đưa ra quyết định đối với hai vấn đề chính cho đến năm sau.

Văn bản cuối cùng được đưa ra tại các cuộc đàm phán của Liên hợp quốc đã bỏ qua một tài liệu tham khảo trước đó về việc cắt giảm cụ thể lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và chỉ hoan nghênh việc “hoàn thành kịp thời” bản báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), chứ không phải kết luận từ bản báo cáo này.

[COP24: Việt Nam tích cực triển khai các cam kết về biến đổi khí hậu]

Trở ngại bất ngờ vào phút cuối đã buộc các nhà đàm phán tại Katowice phải bước vào thời gian phụ, sau khi cuộc họp kết thúc hôm 14/12 đã không có thỏa thuận nào được đưa ra.

Một điểm quan trọng chính là làm thế nào để tạo ra một môi trường chức năng hoạt động trong lĩnh vực tín dụng carbon (ám chỉ thị trường buôn bán sự phát thải CO2 được thực hiện thông qua tín dụng carbon).

Các nhà kinh tế cho rằng một hệ thống thương mại quốc tế có thể là một cách hiệu quả để giảm lượng khí thải nhà kính và tăng số tiền dành cho các biện pháp kiềm chế sự nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, Brazil lại muốn giữ lại số tín dụng carbon họ đã tích lũy được theo hệ thống cũ, vốn bị các nước phát triển cho là không đáng tin cậy và thiếu minh bạch.

Một trong những nước cứng rắn nhất là Mỹ, bất chấp việc Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi Hiệp định Paris và việc ông quảng bá than đá như một nguồn năng lượng.

Elliot Diringer thuộc Trung tâm Giải pháp Khí hậu và Năng lượng, nhận định: “Nhìn chung, vai trò của Mỹ ở đây rất kỳ cục. Một mặt, họ đề cao than đá và đả kích khoa học, mặt khác lại tích cực thúc đẩy các nguyên tắc minh bạch."

Theo Diringer, khi nhắc đến việc thu hẹp các kẽ hở tiềm tàng, điều đó có thể cho phép các quốc gia né tránh các cam kết cắt giảm khí thải, “Mỹ đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn bất kỳ ai đối với các quy tắc minh bạch mà đặt tất cả các quốc gia vào cùng một hệ thống, và họ đã thành công."

Nathaniel Keohane, chuyên gia chính sách khí hậu tại Quỹ Bảo vệ Môi trường, nói thêm: “Minh bạch là điều rất quan trọng đối với lợi ích của Mỹ."

Ông lưu ý rằng bước đột phá trong các cuộc đàm phán Hiệp định Paris 2015 chỉ diễn ra sau khi Mỹ và Trung Quốc nhất trí về một khuôn khổ chung cho sự minh bạch.

Một trong số những thành tựu quan trọng đạt được ở Katowice là thỏa thuận về cách các quốc gia nên báo cáo lượng khí thải nhà kính của họ như thế nào và các nỗ lực họ đang thực hiện để giảm lượng khí thải. Những nước nghèo cũng đã đảm bảo về khả năng dự đoán lớn hơn về những hỗ trợ tài chính để giúp họ cắt giảm lượng khí thải, thích ứng với những thay đổi không thể tránh khỏi như mực nước biển dâng cao và chi trả cho những thiệt hại đã xảy ra.

Mohamed Adow, một chuyên gia chính sách khí hậu tại tổ chức từ thiện Christian Aid, cho biết: “Phần lớn các quy tắc cho Thỏa thuận Paris đã được tạo ra, đó là điều đáng biết ơn. Tuy nhiên, việc các quốc gia phản khác mạnh mẽ vì mục tiêu cuối cùng cho thấy một số nước đã không thức tỉnh trước lời kêu gọi khẩn thiết từ báo cáo của IPCC” về những hậu quả thảm khốc của sự nóng lên toàn cầu.

Theo ông, một điểm trọng tâm của Thỏa thuận Paris - ý tưởng mà các quốc gia sẽ tăng cường nỗ lực chống lại sự nóng lên toàn cầu theo thời gian - vẫn cần được chứng minh tính hiệu quả.

Cuối cùng, một quyết định về cơ chế cho một hệ thống thương mại khí thải đã bị hoãn lại cho cuộc họp năm sau. Các quốc gia cũng đồng ý sẽ xem xét vấn đề nâng cao tham vọng tại hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc tại New York vào tháng 9/2019.

Phát biểu trước phiên thảo luận cuối cùng, Bộ trưởng Môi trường Canada Catherine McKenna cho rằng không có sự thay thế nào cho các cuộc họp như vậy nếu các quốc gia muốn giải quyết các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là vào thời điểm ngoại giao đa phương chịu áp lực từ chủ nghĩa dân tộc.

Bà nói với hãng tin AP: “Thế giới đã thay đổi, bối cảnh chính trị đã thay đổi. Tuy nhiên, bạn vẫn đang chứng kiến rằng chúng tôi có thể đạt được tiến bộ, chúng tôi có thể thảo luận các vấn đề, chúng tôi có thể đi đến giải pháp”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục