Theo ước tính của Vụ Pháp chế thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, phương án cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính của Bộ trong giai đoạn 2020-2025 sẽ giúp tiết kiệm được hơn 131 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ ngày 12/6/2020 về Ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký Tờ trình số 40/TTr-BTNMT ngày 22/7/2021 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện việc thống kê, cập nhật đầy đủ và công khai dữ liệu các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý, kèm theo tính toán chi tiết chi phí tuân thủ các quy định trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Phan Tuấn Hùng, phương án cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã được các đơn vị trực thuộc Bộ rà soát, đánh giá, trao đổi, cân nhắc kỹ lưỡng và được tham vấn, đồng thuận của các bộ, ngành, địa phương trước khi trình Chính phủ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức rà soát, đánh giá toàn bộ các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của lĩnh vực tài nguyên và môi trường thuộc thẩm quyền; từ đó đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, tập trung chủ yếu vào thủ tục hành chính.
[Giải quyết bất cập về sử dụng biển để cân bằng phát triển và sinh thái]
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 153/178 thủ tục hành chính, cụ thể: lĩnh vực đất đai cắt giảm, đơn giản hóa 12/17 thủ tục hành chính; lĩnh vực địa chất và khoáng sản cắt giảm, đơn giản hóa 28/32 thủ tục hành chính; lĩnh vực tài nguyên nước cắt giảm, đơn giản hóa 27/32 thủ tục hành chính; lĩnh vực khí tượng thủy văn cắt giảm 8/8 thủ tục hành chính; lĩnh vực biển và hải đảo cắt giảm, đơn giản hóa 25/25 thủ tục hành chính; lĩnh vực đo đạc, bản đồ cắt giảm, đơn giản hóa 1/3 thủ tục hành chính; lĩnh vực môi trường cắt giảm, đơn giản hóa 52/62 thủ tục hành chính.
Để triển khai phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2021-2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến sẽ trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền 19 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 12 Nghị định và 7 Thông tư.
Ngoài ra, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang tích cực chuẩn bị 3 dự án luật lớn, quan trọng để trình Chính phủ, Quốc hội gồm: dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Khoáng sản (sửa đổi).
Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian, chi phí xã hội và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân.
Đến nay, Cục Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành và đưa vào triển khai 107 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó có 53 dịch vụ công mức độ 3, 54 dịch vụ công mức độ 4, đạt tỷ lệ 50,5%; hoàn thành tích hợp hệ thống Một cửa điện tử, Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài nguyên và Môi trường với Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo lộ trình của Văn phòng Chính phủ; tích hợp, cung cấp 38 thủ tục hành chính (trong đó có 18 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4) lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đạt tỷ lệ 40,9%, vượt mức chỉ tiêu được Chính phủ giao./.