Ngày 5/10, bác sỹ Ngô Gia Khánh, Phụ trách Đơn vị phẫu thuật lồng ngực và mạch máu, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết đơn vị vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân có bướu giáp chìm kích thước lớn - một thể nặng của bệnh lý tuyến giáp đã nằm trong lồng ngực bệnh nhân gần 10 năm mới được phát hiện.
Bệnh nhân Lò Thị O., 63 tuổi, dân tộc Thái ở Sơn La phát hiện khối bất thường vùng cổ từ năm 16 tuổi nhưng không điều trị gì.
Năm 2004, bệnh nhân được chẩn đoán bướu giáp và phẫu thuật cắt gần hoàn toàn tuyến giáp tại Bệnh viện tỉnh Sơn La. Sau đó, bệnh nhân cũng không có điều kiện đi khám lại.
Khoảng 10 năm sau, bệnh nhân thấy khó thở ngày một tăng, đặc biệt là ở tư thế nằm, gần như không nằm ngửa được kèm theo nuốt nghẹn, đi khám ở y tế cơ sở nhưng không phát hiện bệnh.
Khi triệu chứng ngày càng nặng, bệnh nhân đi khám ở bệnh viện tỉnh mới phát hiện ra một khối u lớn đã có dấu hiệu chèn ép vào khí quản và thực quản.
Bệnh nhân được chuyển tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ cho thấy khối u kích thước lớn sa vào trung thất, đè đẩy toàn bộ khí quản sang bên đối diện gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hô hấp.
Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật ngày 5/9/2018. Quá trình phẫu thuật rất khó khăn do khối u lớn chui sâu vào trong lồng ngực, rất nhiều mạch máu tăng sinh, bệnh nhân lại có tiền sử phẫu thuật trước đó, nên khối u dính chặt vào tổ chức xung quanh rất khó bóc tách.
Sau hơn 2 giờ, cuộc phẫu thuật đã thành công, các bác sỹ lấy ra khối u lớn đường kính 8x10cm.
Sau mổ ngày thứ hai, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, đi lại nói chuyện và ăn uống được. Bệnh nhân được xuất viện sau 1 tuần phẫu thuật, hết các triệu chứng của bệnh và trở lại cuộc sống bình thường.
Theo bác sỹ Ngô Gia Khánh, bướu giáp thòng trung thất là giai đoạn muộn của các bệnh lý tuyến giáp. Bướu không nằm ở cổ nên chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn khi có các biểu hiện khó thở, nuốt nghẹn hoặc đôi khi có khàn tiếng. P
hẫu thuật cắt tuyến giáp ở cổ là phẫu thuật không phức tạp, tuy nhiên nếu để muộn, bướu giáp chìm tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến khi xử lý.
Bướu giáp chìm sau xương ức (substernal goiter-retrosternal goiter), bướu giáp chìm trong lồng ngực (intrathoracic goiter) hay còn gọi là bướu giáp thòng (goitre plongeant) là một thể đặc biệt của một khối u của trung thất trên.
Loại bệnh này chiếm tỷ lệ không nhỏ, khoảng 3-20% trong các trường hợp bướu giáp. Bướu giáp ở cổ thường dễ phát hiện do bệnh nhân tự nhận thấy cổ bạnh to ra, nên đi khám và được điều trị sớm.
[Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới mổ nội soi tuyến giáp một lỗ]
Bướu giáp chìm không dễ nhận ra do bướu giáp phát triển sâu xuống lồng ngực, chỉ đến khi khối u chèn ép vào các thành phần xung quanh, đặc biệt là khí quản, thực quản gây khó thở, khó nuốt bệnh nhân mới đi khám. Vì vậy, việc điều trị lúc đó sẽ gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến và biến chứng hơn so với cắt bỏ bướu giáp thông thường.
Một số trường hợp đến quá muộn, khối u lan rộng không thể cắt bỏ, bệnh nhân nhanh chóng tử vong trong bệnh cảnh suy hô hấp do chèn ép đường thở.
Các bác sỹ khuyến cáo bệnh lý tuyến giáp có tính chất địa phương và có liên quan đến yếu tố gia đình. Tính chất địa phương có thể hiểu là bệnh xảy ra ở một vùng địa phương nào đó, hầu như mọi người dân sinh sống tại đó đều mắc bệnh như nhau, có thể do lối sống, tập quán dẫn tới mắc bệnh. Người dân tộc, do chế độ ăn không cung cấp đủ iốt - nguyên nhân chính gây nên bệnh tuyến giáp. Vai trò y tế cơ sở ở những vùng này cũng rất quan trọng.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả là hoạt động góp phần phát hiện sớm những trường hợp này để bệnh nhân được can thiệp và điều trị sớm./.