Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Việt Nam-40 năm thống nhất, phát triển và hội nhập (1975-2015),” tổ chức ngày 25/4, tại tỉnh Bình Dương.
Buổi hội thảo này nằm trong chuỗi sự kiện hoạt động kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, do 4 trường đại học gồm: Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn-Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Thủ Dầu Một-tỉnh Bình Dương, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn-Đại học quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học-Đại học Huế, phối hợp tổ chức.
Hội thảo đã thu hút nhiều nhà khoa học và các cơ quan nghiên cứu tham gia với hơn 300 tham luận, trong đó có 20 tham luận của các học giả đến từ Hoa Kỳ, Pháp, Australia, Brazil, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia…
Trong 40 năm qua, đã có thêm nhiều tư liệu mới được phát hiện và công bố nhiều cách tiếp cận và nhận định mới về cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975) cũng như về công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và công cuộc đổi mới, phát triển, hội nhập của Việt Nam (từ 1975 đến nay).
Hội thảo còn có ba phiên chuyên đề với 3 tiểu ban theo các nội dung: Việt Nam-Đấu tranh vì độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc Việt Nam, Đổi mới và phát triển đất nước Việt Nam, và Hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự Hội thảo với 50 bài tham luận chính về giá trị thống nhất đất nước, hội nhập và những thách thức trong phát triển.
Theo tham luận của giáo sư-tiến sỹ Carlyle A.Thayer, Đại học New South Wales - Học viện Quốc phòng Autralia: Sau 40 năm giành độc lập, thống nhất đất nước của Việt Nam chuyển từ e ngại sang chủ động hội nhập đa phương hóa và đa dạng hóa là rất đáng ghi nhận. Việt Nam đang đặt lợi ích quốc gia lên trên hết nhờ đó đã làm thay đổi nhanh chóng về kinh tế, chính trị-xã hội.
Ông cho rằng: “Việt Nam đã thành công lớn trong những đối sách ngoại giao để bảo vệ độc lập, chủ quyền, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế và từ chính sách đối ngoại đã và đang đóng vai trò vào chủ quyền và độc lập dân tộc của Việt Nam ngày càng vững bền hơn.
Giáo sư-tiến sỹ Tsuboi Yoshiharu, Đại học Waseda của Nhật Bản cho rằng : Sau 40 năm giành độc lập dân tộc, hiện tại để phát triển hơn nữa trong tương lai Việt Nam cần tập trung vào 4 vấn đề sau: hòa giải dân tộc tuyển dụng lao động trẻ cải cách hơn nữa hệ thống kinh tế, chính trị và có tầm nhìn tương lai.
Về tầm nhìn tương lai, ông Tsuboi Yoshiharu cho rằng: Môi trường quốc tế xung quanh Việt Nam thay đổi nhanh chóng, chẳng hạn như cộng đồng kinh tế ASEAN và các cuộc đàm phán TPP.
Các hệ thống của Việt Nam từ trước đến nay lập ra các kế hoạch 5 năm, 10 năm nhưng cần phải có những tầm nhìn dài hơn với kế hoạch 30 năm, 50 năm. Ít nhất là trong giai đoạn từ 2015 đến năm 2065, tôi mong rằng Việt Nam có thể đưa ra một tầm nhìn cụ thể trong 50 năm tới trở thành quốc gia đóng vai trò quan trọng trong các nước ASEAN, có vị trí trên thế giới.
Ông Tsuboi Yoshiharu tin rằng nếu đặt ra tầm nhìn này thì nhân dân Việt Nam càng thêm có động lực để cố gắng.
Nhiều học giả, nhà nghiên cứu tại hội thảo đưa ra chung một nhận định: 40 năm sau chiến tranh là 40 năm xây dựng phát triển đất nước. Trong 10 năm đầu sau chiến tranh, vừa xây dựng vừa bảo vệ chủ quyền biên cương lãnh thổ Tổ quốc, cả nước phải từng bước tháo gỡ khó khăn, tìm tòi cơ chế, mô hình phát triển.
Từ 30 năm trở lại đây, Việt Nam đã và đang đi trên con đường đổi mới, đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, an ninh, quốc phòng.
Hiện nay, Việt Nam đang triển khai công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đã và đang phát triển với tốc độ nhanh trên quy mô ngày càng lớn và toàn diện theo đúng yêu cầu phát triển tiến bộ của lịch sử dân tộc, phù hợp với xu thế phát triển của khu vực và thế giới.
Quá trình xây dựng và phát triển đất nước thống nhất phải song hành với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, bảo vệ biên cương lãnh thổ từ đất liền đến hải đảo đã vượt qua khó khăn, đồng thời cũng đạt được nhiều kết quả thắng lợi, đảm bảo được hòa bình và ổn định cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, nhiều học giả trong và ngoài nước khi nghiên cứu đã chỉ ra những thách thức của xu thế toàn cầu hóa mà Việt Nam cần nhận diện toàn diện hơn để có giải pháp phù hợp./.