Càphê Việt nhắm đến thị trường châu Á qua cửa ngõ Singapore

Ngoài các thị trường truyền thống là châu Âu và Mỹ, các doanh nghiệp càphê Việt Nam đang có xu hướng mở rộng sang các thị trường châu Á, thông qua "cửa ngõ" Singapore.
Càphê Việt nhắm đến thị trường châu Á qua cửa ngõ Singapore ảnh 1Gian hàng giới thiệu các sản phẩm càphê của Việt Nam tại Hội chợ ICT 2016. (Ảnh: Mỹ Bình/Vietnam+)

Ngoài các thị trường truyền thống là châu Âu và Mỹ, các doanh nghiệp càphê Việt Nam đang có xu hướng mở rộng xuất khẩu sang các thị trường gần trong khu vực châu Á, thông qua "cửa ngõ" Singapore.

Phát biểu bên lề Hội chợ Chè Càphê Quốc tế lớn nhất châu Á (ICT) 2016 diễn ra tại Singapore từ 3-5/3, bà Nguyễn Việt Chi, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, cho biết: Trong những năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chè và càphê của Việt Nam sang Singapore không ngừng tăng trưởng ở mức khá cao, đạt bình quân 37%/năm.

Riêng năm 2015 vừa qua, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Singapore, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chè và càphê của Việt Nam sang Singapore đạt 88 triệu USD, chiếm 21% trong tổng tỷ trọng nhu cầu nhập khẩu hai mặt hàng này của Đảo quốc Sư tử.

"Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước trong khu vực và Singapore, với ưu thế là một trung tâm thương mại của châu Á cũng như toàn cầu, sẽ là cửa ngõ quan trọng để càphê Việt Nam nói riêng và các mặt hàng nông sản nói chung được người tiêu dùng trên thế giới biết tới nhiều hơn nữa," bà Chi nhấn mạnh.

Ông Đào Duy Tùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Càphê Nguyên Huy Hùng - một trong những doanh nghiệp sản xuất càphê sạch hàng đầu của Việt Nam, cũng cho hay bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển thị trường càphê nhân, với sản lượng đều đặn mỗi năm khoảng 10.000 tấn, công ty cũng đang xúc tiến mở rộng việc phát triển các sản phẩm càphê thành phẩm để xuất khẩu.

"Có một nghịch lý là mặc dù Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu càphê lớn nhất thế giới nhưng gần như người tiêu dùng ở nước ngoài đều không có một khái niệm cụ thể về càphê Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp chúng tôi ngoài song song phát triển thị trường càphê nhân xô thì cũng phát triển càphê thương hiệu DakMark coffee và thông qua các hội chợ như ICT để đưa các sản phẩm càphê hòa tan, càphê túi lọc và các loại càphê thành phẩm của mình tiến vào thị trường Đông Nam Á nói riêng cũng như châu Á nói chung," ông Tùng nói.

Trong khi đó, theo ông Trần Tấn Thiện, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Càphê Hello5, các sản phẩm càphê "xanh" đang ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng và điều này đòi hỏi các doanh nghiệp của Việt Nam phải nâng cao tiêu chuẩn sản xuất như chứng chỉ Fairtrade -thương mại công bằng, UTZ, 4C, chứng nhận rừng bền vững -Rainforest Alliance... và các chứng chỉ khác như HACCP, ISO, bên cạnh việc đa dạng hóa các loại càphê thành phẩm như càphê rang xay các loại, càphê hòa tan, càphê túi lọc, càphê chồn...

"Mục tiêu của chúng tôi là mang đến hội chợ lần này những sản phẩm giá trị thặng dư cao cho khách hàng cũng như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu, không những cho thị trường Singapore mà còn các nước khác trong khu vực," ông Thiện khẳng định.

Do vậy, Hội chợ Chè Càphê Quốc tế 2015, với 140 gian hàng của các doanh nghiệp và tổ chức đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, chính là một dịp rất tốt để doanh nghiệp Việt Nam có thể trực tiếp quảng bá, giới thiệu các sản phẩm càphê cũng như các sản phẩm tiềm năng của chính doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có cơ hội tìm kiếm những đối tác nhập khẩu, các nhà cung ứng, nhà phân phối cũng như tiếp cận được những công nghệ tiên tiến trong pha chế càphê và chè; cập nhật những xu hướng mới nhất trong văn hóa sử dụng chè và càphê của khu vực cũng như trên thế giới./.

 
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục