Không chỉ là thị trường có sức tiêu thụ rất lớn đối với các sản phẩm càphê, Vương quốc Anh còn nắm giữ những lợi thế quan trọng và đa dạng về nguồn vốn đầu tư, ngay cả khi đảo quốc ra khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Đây chính là động lực thôi thúc các doanh nghiệp càphê Việt Nam triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm cơ hội hợp tác-đầu tư.
Theo phóng viên TTXVN tại London, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh phối hợp với Hiệp hội Càphê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) đã tổ chức buổi tọa đàm mang tên “Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Anh trong ngành càphê” nhằm giới thiệu và quảng bá sản phẩm tiềm năng này.
Tại buổi tọa đàm với sự tham gia đông đảo của giới doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước, ông Nguyễn Văn Thảo, Đại sứ Việt Nam tại Anh, nhấn mạnh rằng Anh là thị trường tiêu thụ càphê rất lớn với thói quen sử dụng càphê hàng ngày của người dân.
Tuy nhiên, người tiêu dùng Anh lại chưa biết nhiều về các sản phẩm càphê mang thương hiệu Việt Nam. Đây chính vấn đề mà các đại biểu tham dự tọa đàm cần thảo luận làm rõ nhằm thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa hai nước.
Thời gian qua, nhờ chính sách đúng đắn của chính phủ và nỗ lực không mệt mỏi của doanh nghiệp cũng như người nông dân, ngành càphê Việt Nam gặt hái những thành quả đáng kể.
Việt Nam đã trở thành nước sản xuất càphê lớn thứ hai trên thế giới với nhiều sản phẩm càphê nhân, rang xay, hòa tan...
Giờ đây, ngành càphê Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn hai: đẩy mạnh đầu tư, đặc biệt là ở công đoạn chế biến, để nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm, từ đó cải thiện kim ngạch xuất khẩu.
Chiến lược này có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường Anh, và chủ động tham gia thị trường giao dịch càphê thế giới.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại London, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch VICOFA, cho rằng Vương quốc Anh nắm giữ hai yếu tố vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. Thứ nhất, London có sàn giao dịch càphê Robusta lớn nhất thế giới, giúp định giá càphê trên thị trường toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam là nước sản xuất càphê Robusta lớn nhất thế giới, nên doanh nghiệp cần chủ động gắn kết với thị trường giao dịch ở London.
Thứ hai, Anh cũng là thị trường tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm càphê của Việt Nam. Riêng năm 2015, kim ngạch nhập khẩu càphê Việt Nam vào tiêu thụ tại thị trường Anh là 65 triệu USD và dự đoán sẽ còn tăng trong tương lai.
Trao đổi tại buổi tọa đàm, giới doanh nghiệp Anh chung một nhận xét rằng ngành càphê Việt Nam có nhiều lợi thế để thúc đẩy hợp tác và đầu tư. Thực tế cho thấy hoạt động sản xuất-chế biến và xuất khẩu càphê của Việt Nam đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với thị trường Anh.
Hai nước có tiềm năng hợp tác lớn trong ngành càphê, không chỉ ở mục tiêu tăng kim ngạch trao đổi hai chiều, mà cả những dự án thu hút vốn đầu tư dài hạn.
Tuy nhiên, ngành càphê Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong nỗ lực cạnh tranh và khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường toàn cầu, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Theo ông Chris Stemman, Giám đốc điều hành Hiệp hội càphê Anh (BCA), nhiều nước như Brazil, Ethiopia... đã làm rất tốt việc xây dựng thương hiệu càphê như một phần danh tiếng quốc gia, mà nhờ đó, việc tiêu thụ sản phẩm cũng được đẩy mạnh.
Ông Stemman cho rằng mục tiêu lâu dài của Việt Nam phải là việc tăng cường danh tiếng, khẳng định thương hiệu càphê trong lòng người tiêu dùng.
Tại buổi tọa đàm, doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước còn trao đổi nhiều kinh nghiệm hay trong việc hỗ trợ nông dân duy trì và mở rộng diện tích canh tác càphê, tăng cường sự minh bạch trên thị trường, thói quen thưởng thức càphê của người tiêu dùng...
Đây là một dịp quan trọng để doanh nghiệp và nhà đầu tư Anh tìm hiểu về ngành càphê Việt Nam, mở ra cơ hội thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới./.