Càphê robot – Nơi tiếp thêm sức mạnh hòa nhập cho người khuyết tật

Ban đầu, quán càphê này được lên kế hoạch mở cửa vào năm 2020 trùng với dịp diễn ra Paralympic Tokyo 2020, song lễ khai mạc sự kiện này cũng đã phải lui lại 1 năm, giống Olympic Tokyo.
Quán càphê Dawn ở trung tâm thủ đô Tokyo.(Nguồn: GettyImages)

“Xin chào! Bạn khỏe không?" là lời chào của Michio Imai gửi tới khách hàng khi họ đến quán càphê Dawn ở trung tâm thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Tuy nhiên, điều đặc biệt của màn chào đón này là nó không được diễn ra trực tiếp mà thông qua một robot phục vụ, còn Imai thì ở cách xa quán tới hàng trăm km.

Imai là 1 trong số 50 nhân viên khuyết tật về thể chất và tinh thần đang tham gia vận hành robot của quán Dawn. Tại quán, khách hàng sẽ được các chú robot màu trắng bóng có hình dáng giống chim cánh cụt phục vụ và Imai là một trong những người điều khiển mọi hoạt động của robot, từ nhà riêng của mình ở Hiroshima, cách quán cà phê 800 km.

Quán càphê Dawn được mở ở quận Nihonbashi, trung tâm thủ đô Tokyo vào tháng 6 vừa qua nhưng nhân viên của quán thì không chỉ là những người sinh sống tại Nhật Bản mà còn có cả ở nước ngoài. Ban đầu, quán càphê này được lên kế hoạch mở cửa vào năm 2020 trùng với dịp diễn ra Paralympic Tokyo 2020, song lễ khai mạc sự kiện này cũng đã phải lui lại 1 năm, giống Olympic Tokyo.

Không chỉ có robot chào khách ngay cửa, quán càphê Dawn còn có khoảng 20 robot nhỏ ngồi trên bàn và nhiều khu vực khác của quán. Các robot này mang tên OriHime, được trang bị camera, micro và loa, cho phép người điều khiển chúng giao tiếp với khách hàng từ xa.

Trong khi khách hàng trò chuyện và đặt món với các nhân viên quán thông qua những robot nhỏ, thì 3 robot lớn hơn, có phiên bản hình người di chuyển xung quanh để phục vụ đồ uống hoặc chào đón khách hàng.

Đảm trách nhiệm vụ pha chế đồ uống (càphê) ở Dawn là 1 robot có "trang phục" hơi khác biệt với chiếc tạp dề màu nâu.

Robot không chỉ có mặt tại Dawn mà đang ngày càng trở nên phổ biến ở Nhật Bản. Đi cùng với sự xuất hiện của robot, nhiều người khuyết tật như Imai đã có thêm cơ hội việc làm.

Imai mắc bệnh rối loạn triệu chứng soma, rất khó ra khỏi nhà. Do đó, việc được tuyển dụng làm nhân viên điều khiển robot cho quán Dawn khiến anh rất hạnh phúc. Imai cho biết thường nói chuyện với khách hàng rất nhiều chủ đề, từ thời tiết, đến quê quán và tình trạng sức khỏe.

[Paralympic Tokyo 2020: Không chỉ đơn thuần là một thế vận hội]

Ngoài Imai, các nhân viên khác của Dawn cũng đều là những người khuyết tật về thần kinh và thể chất, như các bệnh nhân mắc hội chứng xơ cứng teo cơ một bên (ALS). Dự án quán cà phê Dawn là sản phẩm của anh Kentaro Yoshifuji - một doanh nhân đồng sáng lập công ty Ory Laboratory chuyên sản xuất robot.

Sau khi gặp vấn đề về sức khỏe thời nhỏ, anh Yoshifuji, 33 tuổi, đã không thể đi học. Do vậy, lúc nào ông cũng đau đáu tìm cách đưa những người khuyết tật hoặc mắc bệnh không thể ra khỏi nhà có thể đi làm để hòa nhập với môi trường xã hội. Anh tâm sự quán càphê Dawn chính là nơi mọi người có thể tham gia vào xã hội.

Quán càphê được mở dựa trên sự hỗ trợ của các công ty lớn và việc chuy động vốn từ cộng đồng. Ý tưởng xây dựng nên quán càphê này không chỉ đơn thuần là việc thử nghiệm robot và khách hàng tới đây cũng không chỉ là để tận mắt trải nghiệm robot mà họ muốn được gặp và trò chuyện với những người đứng sau điều khiển robot.

Rõ ràng, quán càphê Dawn đã và đang khiến Paralympic trở nên ý nghĩa hơn, chắp thêm đôi cánh để những người khuyết tật tự tin hòa nhập cuộc sống xã hội./

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục