Tỉnh Đắk Lắk đang bước vào vụ thu hoạch càphê niên vụ 2021-2022. Mặc dù chi phí đầu tư có cao hơn năm ngoái nhưng càphê được mùa, giá bán càphê nhân đang ở mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây nên các nông hộ ở Đắk Lắk phấn khởi, ổn định sản xuất.
Càphê được mùa, được giá
Huyện Cư M’gar là vùng trọng điểm càphê của tỉnh Đắk Lắk với diện tích hơn 38.900ha, trong đó có gần 37.000ha đang cho thu hoạch, với sản lượng ước khoảng khoảng 84.000 tấn càphê nhân.
Hiện nay, bà con nông dân đang tập trung thu hoạch càphê, diện tích đã thu hái đạt khoảng 30%.
Theo đánh giá của các nông hộ, năm nay năng suất càphê đạt cao hơn so với mọi năm, giá cả cũng tăng cao hơn so với các năm trước.
Hiện, giá càphê nhân đang bán ra từ 41.000-42.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tuy chi phí đầu tư tăng từ 20-30% nhưng càphê được mùa, được giá cũng giúp bà con nông dân ổn định thu nhập.
[Nâng chất lượng cho càphê, hạt tiêu đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu]
Gia đình chị H’Juel Niê, ở buôn Sút M’đưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar có 1,1ha càphê đang bước vào thời kỳ kinh doanh.
Trước đây, diện tích đất này trồng cao su, nhưng do giá mủ xuống thấp nên gia đình đã phá bỏ chuyển sang trồng càphê.
Năm ngoái, càphê cho thu bói được khoảng 1,2 tấn thì năm nay, vườn càphê bắt đầu cho thu chính, ước sản lượng đạt khoảng hơn 3 tấn nhân.
Vừa thoăn thoắt tuốt những cành càphê chín đỏ, chị H’Juel phấn khởi cho biết, từ giữa tháng 11, gia đình chị đã bắt đầu thu bói những cây chín sớm và vài ngày nay, vườn chín rộ nên thuê thêm công để hái đại trà.
Ngoài việc đổi công cho họ hàng, năm nay gia đình thuê thêm 4 công hái cũng là người trong buôn vừa từ các tỉnh phía Nam về tránh dịch. Giá nhân công trả từ 180.000-200.000 đồng/ngày.
Dự kiến, đến cuối tháng 11 gia đình sẽ hoàn thành việc thu hoạch. “Năm nay, giá càphê tăng cao nên gia đình rất phấn khởi. Hơn nữa có nhiều lao động trở về địa phương nên việc thuê công cũng dễ dàng hơn,” chị H’Juel Niê nói.
Thời điểm này, gia đình chị H’ Bét Niê, ở buôn A Yun, xã Ea Kuếh, huyện Cư M’gar cũng đang huy động nguồn nhân lực để thu hoạch hoạch vườn càphê đã chín mọng đỏ.
Năm nay, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên để đảm bảo nhân lực thu hái cho kịp mùa vụ, gia đình chị đã thực hiện hình thức đổi công cho người nhà và các hộ dân trong buôn.
Theo chị H’ Bét Niê, năm ngoái, hơn 2,5ha càphê của gia đình thu được gần 7 tấn nhân. Năm nay, thời tiết ổn định, chăm sóc vườn cây tốt nên cây sai trái, nhân to, đều nên gia đình chị hy vọng sẽ đạt hơn 8 tấn nhân.
Hơn nữa, sau nhiều năm giá càphê xuống thấp thì năm nay giá càphê tăng cao hơn nên gia đình và bà con trong buôn rất vui mừng.
“Hy vọng các năm sau giá càphê ổn định, tăng cao hơn để người dân tái đầu tư, chăm sóc cho các niên vụ sau và ổn định đời sống người trồng càphê,” chị H’ Bét kỳ vọng.
Đảm bảo nhân lực cho thu hoạch
Ông Nguyễn Công Văn, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cư M’gar, cho biết năm nay thời tiết thuận lợi, các nông hộ chăm sóc vườn cây tốt nên năng suất dự kiến tăng hơn các năm trước. Về nhân công thu hái càphê năm nay không thiếu vì dịch bệnh COVID-19, lao động về địa phương khá đông. Đến nay, địa phương có khoảng 13.200 người từ các tỉnh phía Nam về và đây là nguồn lao động dồi dào phục vụ thu hái càphê niên vụ năm nay.
Để vừa đảm bảo an toàn cho nhân dân trong quá trình thu hái càphê vừa đảm bảo tiến độ thu hoạch của niên vụ, Ủy ban Nhân dân huyện đã xây dựng và triển khai kế hoạch sử dụng lao động thu hái càphê để chỉ đạo các xã thực hiện. Đồng thời, thường xuyên báo cáo tình hình thu hoạch càphê của từng địa phương nhằm kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắt trong quá trình thu hoạch càphê.
Đặc biệt, huyện cũng chuẩn bị phương án cụ thể để ứng phó với dịch bệnh COVID-19 nhất là khi các địa phương thay đổi cấp độ dịch.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cư M’gar, bước vào vụ thu hoạch năm nay người dân trên địa bàn rất phấn khởi khi giá càphê, hồ tiêu năm nay cao hơn các năm trước. Đây cũng là hai cây trồng chủ lực của huyện nhà nên đời sống của bà con cũng phần nào được cải thiện và ổn định hơn.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài cũng ảnh hưởng lớn đến nguồn đầu tư sản xuất cho các năm sau, bên cạnh đó vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu… đều tăng giá cũng khiến nông dân lo lắng.
Trong thời gian tới, hy vọng các cơ quan, doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ nông dân ổn định đầu ra nông sản và kiểm chế giá vật tư đầu vào để giảm gánh nặng cho người nông dân.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cho biết Đắk Lắk là địa phương có diện tích trồng càphê lớn nhất cả nước với gần 210.000ha, ước sản lượng niên vụ này khoảng 500 nghìn tấn càphê nhân. Hiện nay, người trồng càphê trên địa bàn tỉnh đang bước vào vụ thu hái.
Để việc thu hái kịp mùa vụ, đảm bảo chất lượng hạt càphê và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn, vừa qua, Sở đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị 20 để chỉ đạo việc tổ chức sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ càphê niên vụ 2021-2022.
Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh càphê trên địa bàn lập kế hoạch và tăng cường công tác bảo vệ nghiêm ngặt diện tích càphê chuẩn bị đến kỳ thu hoạch.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không thu hái càphê xanh, đảm bảo tỷ lệ càphê chín khi hái đạt trên 85%; trường hợp tận thu cuối vụ, tỷ lệ quả chín tối thiểu đạt 80%.
Đặc biệt, các địa phương, đơn vị phải tập trung tối đa cho công tác phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID - 19” và các quy định khác về công tác phòng chống dịch đảm bảo sản xuất của Trung ương và địa phương.
Để đảm bảo lực lượng lao động cho việc thu hái càphê, các địa phương, đơn vị xây dựng phương án cụ thể việc huy động lực lượng cho công tác thu hoạch, chế biến và vận chuyển càphê trên địa bàn. Cùng đó, thành lập các tổ liên kết giữa các hộ với nhau theo khu vực, địa bàn để hỗ trợ trong thu hoạch, vận chuyển; tận dụng nhân công tại chỗ theo hình thức đổi công, ưu tiên nhân công cho các vườn chín trước.
Trong trường hợp cần thiết, chủ động đề nghị các lực lượng quân đội trên địa bàn hỗ trợ công tác thu hoạch. Đồng thời, hướng dẫn người dân chủ động chuẩn bị sân phơi, máy sấy phòng trường hợp thời điểm thu hoạch mưa kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng càphê.
Chính quyền cơ sở tuyên truyền, vận động người nông dân không đi khỏi địa bàn, tập trung cho công tác sản xuất, chế biến và tiêu thụ càphê./.