Các trang trại, hộ gia đình trồng càphê ở Sơn La đã bước vào vụ hái quả và hiện giá càphê bắt đầu nhích dần từ 5.000 đồng lên 7.000 đồng/kg.
Đây là nguồn thu nhập chính của bà con nông dân ở nhiều vùng trong tỉnh, tập trung ở các huyện Mai Sơn, Thuận Châu và thành phố Sơn La.
Vụ càphê năm 2015, toàn tỉnh có trên 11.700ha càphê, ước tính thu hoạch khoảng 110.000 tấn quả tươi. Đầu mùa, giá càphê người dân bán ra thị trường rất thấp, chỉ được 3.000 đến 4.000 đồng/kg quả tươi. Với mức giá này, người trồng càphê bị lỗ.
Đến thời điểm hiện tại, ở một số xã như Hua La (thành phố Sơn La), Chiềng Ban, Chiềng Ve (huyện Mai Sơn) giá càphê bán ra đã tăng lên 6.500-7.000 đồng/kg.
Một số hộ dân phản ánh, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến càphê Sơn La rớt giá là do tranh mua, tranh bán, người dân cần tiền để hoàn trả nợ ngân hàng.
Sơn La là vùng trồng càphê arabica (càphê chè) lớn thứ hai Việt Nam, chỉ sau Lâm Đồng. Hiện càphê Sơn La được xếp vào loại ngon nhất cả nước. Vùng nguyên liệu có sẵn, chất lượng tốt, song cho đến nay, Sơn La vẫn chưa có được cơ sở chế biến mang tính chuyên nghiệp. Đây thực sự là thiệt thòi lớn cho người trồng càphê ở vùng cao nguyên Sơn La.
Trong lộ trình phát triển cây càphê đến năm 2020, tỉnh Sơn La xác định triển khai Đề án hỗ trợ ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân hòa tan theo công nghệ Israel để nâng cao năng suất, chất lượng gắn với chế biến, tăng giá trị xuất khẩu càphê Arabica ở thành phố Sơn La, huyện Thuận Châu, Mai Sơn.
Tỉnh cũng phấn đấu sản lượng năm 2020 gấp hai lần năm 2015, góp phần khẳng định thương hiệu càphê Arabica hữu cơ Sơn La trên thị trường trong nước./.