Người Hà Nội với nét hào hoa, thanh lịch được coi là một vốn văn hóa quý và đáng tự hào nên mới có câu ca: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An."
Giai đoạn hiện nay, các nhà lãnh đạo của thành phố Hà Nội xác định có thể chưa đi đầu về kinh tế, song Hà Nội phải gương mẫu đi đầu về xây dựng văn hóa để xứng đáng là trái tim của cả nước, một Thủ đô nghìn năm tuổi. Việc giữ gìn các giá trị nhân văn càng trở nên cần thiết.
Các giá trị từ xa xưa đang bị tác động bởi cuộc sống hiện đại
Những người đã gắn bó lâu đời với mảnh đất nổi tiếng văn hiến nghìn năm luôn coi trọng giữ gìn cốt cách, gia phong, chuẩn mực trong gia đình, cũng như đối nhân xử thế. Nhiều thế hệ con cháu trong các gia đình Hà Nội xưa cũng gìn giữ được truyền thống cha ông, kính trên nhường dưới, lịch sự trong giao tiếp, phấn đấu trong sự nghiệp.
Nhưng cũng phải thừa nhận, khi người ta đang cuốn theo nhịp sống gấp gáp, một bộ phận người Hà Nội, nhất là giới trẻ xuất hiện những hành vi ứng xử thiếu văn hóa. Lối cư xử nhã nhặn, thanh lịch của người Hà Nội đang mất dần, thay vào đó là lối ăn nói xô bồ, “lệch chuẩn”.
Văn hóa phục vụ khách hàng, văn hóa ẩm thực, vốn là niềm tự hào bấy lâu của người dân Kinh kỳ đang bị phai nhạt. Nếp sống văn minh đô thị bị tác động không tốt bởi hành vi xả rác bừa bãi bất cứ nơi nào, nơi công cộng biến thành các tiện ích khác, di tích bị xâm hại, vi phạm luật giao thông xảy ra thường xuyên, bất đồng quan điểm là ẩu đả… Những hiện tượng này đã ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh Thủ đô có bề dày nghìn năm lịch sử, thậm chí làm cho người ta có cái nhìn chưa đúng về văn hóa Hà Nội.
Ông Trần Văn Bình (tổ 17, khu dân cư số 5, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm) không giấu được tâm trạng buồn khi nhắc tới văn hóa ứng xử của một số người dân Hà Nội. Theo ông: “Cuộc sống mưu sinh khiến người ta không để ý nhiều tới hành vi văn hóa của mình, lớp trẻ mải chạy theo lối sống thực dụng và không được gia đình quản lý, giáo dục tốt nên mới xuất hiện những cách ứng xử không tốt."
Còn với gia đình ông Trần Văn Bình, một người gắn bó lâu năm với Hà Nội, nhất là ở trong khu vực phố cổ Hà Nội, ông luôn coi trọng nề nếp gia đình, truyền thống đạo đức và cách đối nhân xử thế với mọi người xung quanh, chính vì thế con cháu sống rất khuôn phép.
Cấp thiết xây dựng, gìn giữ văn hóa ứng xử người Hà Nội
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho rằng: “Có thể nói, chưa thời điểm nào văn hóa ứng xử ở Hà Nội và người Hà Nội được đặt ra cấp thiết như hiện nay. Nhiệm vụ bảo tồn và phát triển văn hóa người Hà Nội thanh lịch không chỉ của một cá nhân, một tổ chức mà nó cần được chuẩn hóa, tuyên truyền và thấm nhuần vào mọi hoạt động của người dân, tổ chức, cơ quan công quyền để hình thành nét văn hóa ứng xử xứng tầm một thành phố có bề dày hơn nghìn năm tuổi."
Trong số chín chương trình công tác lớn của thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015 được Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 13 xác định và đặt ra mục tiêu, thì chương trình bốn về “Phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011-2015” được cả hệ thống chính trị và nhân dân quan tâm.
Lãnh đạo của Hà Nội đã từng nhấn mạnh, với vai trò là trung tâm văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước, thành phố luôn ưu tiên hàng đầu cho phát triển văn hóa, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi trách nhiệm của toàn xã hội và chính quyền địa các địa phương. Bởi bản sắc văn hóa là vốn quý, là nền tảng tinh thần xã hội.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đang tiến hành xây dựng đề án Hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Dự kiến đến cuối năm 2014, đề án được nghiệm thu, từng bước triển khai trong cho các nhóm khách thể nhằm xây dựng hình ảnh Thủ đô văn minh, hiện đại, cải thiện văn hóa ứng xử cộng đồng, tạo môi trường làm việc năng động, văn minh.
Cùng với việc phát động các phong trào, ban hành hệ thống quy tắc, Hà Nội đang tìm cách giải quyết tận gốc vấn đề trong xây dựng văn hóa ứng xử của người dân, nhằm tạo chuyển biến từ nhận thức đến ý thức, xây dựng một lối sống tích cực, thái độ ứng xử đúng mực để truyền thống văn hóa người Hà Nội xưa vẫn được người dân hôm nay gìn giữ và phát huy./.