Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong lĩnh vực du lịch, như thu hút đầu tư, cải cách hành chính theo lộ trình Chính phủ điện tử.
Băn khoăn về đối tượng áp dụng của Nghị quyết, đại biểu Hồ Văn Thái (An Giang), Đinh Công Sỹ (Sơn La), Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn)... cho rằng việc áp dụng tất cả người nước ngoài được cấp thị thực là quá rộng.
Đại biểu Hồ Văn Thái nêu rõ đây là vấn đề mới, chưa được quy định trong Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Mặt khác, nước ta chưa có kinh nghiệm, điều kiện nhân lực, vật lực và các điều kiện cần thiết phục vụ cho công việc này.
Nếu áp dụng rộng rãi sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí ảnh hưởng đến tình hình an ninh của đất nước. Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định hẹp lại đối tượng, có thể ưu tiên đối với khách du lịch, khách tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam và một số nước truyền thống, một số quốc gia có ký kết quan hệ hợp tác với Việt Nam. Quy định như vậy bảo đảm tính thận trọng, chặt chẽ, phù hợp với quan điểm xây dựng Nghị quyết thực hiện thí điểm.
Một số ý kiến cũng nhất trí với quy định về thời gian miễn cấp thị thực trong 2 năm là hợp lý nhưng thời gian bắt đầu thực hiện từ 1/1/2017 là quá gấp, quá cận, trong khi đó vấn đề này là hoàn toàn mới mẻ, có liên quan trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là đội ngũ cán bộ tinh nhuệ, chuyên trách thực hiện công việc này chưa sẵn sàng. Các đại biểu đề nghị Quốc hội nên cân nhắc về thời gian bắt đầu thi hành cho phù hợp.
Ngoài ra, một số ý kiến các đại biểu cho rằng việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là vấn đề hệ trọng, liên quan đến an ninh quốc phòng quốc gia, vì vậy Quốc hội, Chính phủ cần quy định chi tiết Bộ Công an, Quốc phòng, Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với các địa phương quản lý tốt khách du lịch và nhà đầu tư nước ngoài đến, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ trong quá trình từ khi họ đến, lưu trú đến khi rời khỏi.
Về bảo đảm thông tin cá nhân và bảo mật thông tin quốc gia, trong thời gian qua đã có việc xâm nhập dữ liệu hàng không gây sự cố nhất định đến an ninh hàng không, thông tin rò rỉ, vì vậy, nhiều đại biểu đề nghị cơ quan cấp thị thực điện tử cần có các biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh quốc gia, tránh giảm thiểu các trường hợp hoạt động trái mục đích...
Giải trình thêm về nội dung Nghị quyết, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết: Bộ Công an đã gửi báo cáo về một số vấn đề liên quan đến dự thảo Nghị quyết để các đại biểu Quốc hội xem xét.
Theo đó, thực hiện quy trình cấp thị thực điện tử, Bộ Công an vẫn thực hiện việc xét duyệt nhân sự chủ động hơn. Một trong những biện pháp quản lý người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam bằng thị thực điện tử khi chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam bảo lãnh là việc quy định thị thực điện tử không quá 30 ngày, có giá trị không quá 2 năm.
Trong thời gian thực hiện thị thực điện tử ở Việt Nam 30 ngày, nếu có các cơ quan bảo lãnh, vẫn thực hiện theo quy định của Luật xuất nhập cảnh cư trú và đi lại của người nước ngoài ở Việt Nam. Trước đây, Luật không cho những người nước ngoài đó vào Việt Nam, nhằm thay đổi mục tiêu, sự điều chỉnh này cần thiết phải ban hành Nghị quyết.
Việc ban hành Nghị quyết này khắc phục Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, trường hợp người nước ngoài có mong muốn vào Việt Nam nhưng không có tổ chức, cá nhân bảo lãnh, hoặc không quy định việc khai cấp thị thực điện tử vì hiện nay theo yêu cầu của đối xử đối đẳng ngoại giao với một số nước, Chính phủ đã trình Quốc hội cho kéo dài thời gian hơn so với Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh của người nước ngoài ở Việt Nam.
Về an ninh an toàn mạng, để triển khai việc cấp thị thực điện tử, hệ thống trong đã được thực hiện từ nhiều năm nay, sẽ tiếp tục kiểm soát để bảo đảm an ninh an toàn. Việc xây dựng hệ thống hóa về cơ bản đã chủ động để bảo đảm triển khai từ 1/1/2017.
Bộ Công an đã thực hiện áp dụng rất nhiều luật giao dịch điện tử. Về cơ sở hạ tầng, để bảo đảm tính khả thi của Nghị quyết được thông qua, đề nghị Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử, đảm bảo các cở hạ tầng về việc cấp, kiểm soát thị thực điện tử chặt chẽ, an toàn, thống nhất. Bản chất của việc cấp thị thực điện tử vẫn theo đúng quy trình như cũ.
Đối với quan điểm để người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử sẽ gây khó khăn cho xử lý đối với trường hợp nhập cảnh sử dụng hộ chiếu ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia, Bộ trưởng khẳng định: Bộ dự kiến mẫu thị thực điện tử tương tự như mẫu thị thực rời, đã dự thảo mẫu trình cùng với hồ sơ của dự thảo Nghị quyết.
Khi cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài vào Việt Nam, không phát sinh vấn đề gì mới so với việc cấp thị thực thông thường hiện nay. Người sử dụng hộ chiếu khác có ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia không đóng dấu cho hộ chiếu đó./.