Cập nhật về luật sở hữu trí tuệ cho công ty Đài Loan

Cập nhật về luật sở hữu trí tuệ VN cho DN Đài Loan

Một hội thảo cập nhật thông tin mới nhất về các điều luật liên quan bản quyền phần mềm của VN cho doanh nghiệp Đài Loan đã được tổ chức.
Cục Bản quyền Tác giả Việt Nam (COV), Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) và Phòng Thương mại Đài Loan tại Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ trực tiếp hàng trăm công ty Đài Loan đang kinh doanh tại Việt Nam trong hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc tuân thủ luật sở hữu trí tuệ và các điều luật liên quan.”

Hội thảo đã cập nhật những thông tin mới nhất về các điều luật liên quan đến bản quyền phần mềm của Việt Nam cho các doanh nghiệp Đài Loan đang hoạt động tại Việt Nam, để tránh những rắc rối về mặt pháp luật có thể xảy ra do thiếu thông tin.

Tại hội thảo văn phòng Luật sư Baker & McKenzie cũng cập nhật về sự kiện Nghị viện bang Washington đã thông qua một đạo luật mới có tên là “Vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin” vào ngày 22/7/2011 để nhắm vào các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cụ thể là việc sử dụng phần mềm không bản quyền.

Theo đó, tất cả các doanh nghiệp sản xuất có hàng hóa được bán ở bang Washington sẽ phải có giấy tờ chứng minh là doanh nghiệp đó đã sử dụng phần mềm có bản quyền để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình. Tiếp đó, BSA và các thành viên là Công ty Máy tính Lạc Việt, Bkis, PCT và Microsoft cũng tư vấn các giải pháp hữu hiệu về bản quyền phần mềm cho các doanh nghiệp Đài Loan đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Tại hội thảo, Tiến sỹ Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả đã cập nhật khái quát về hệ thống pháp luật, cũng như giới thiệu các quy định pháp luật Việt Nam về quyền tác giả và các quyền liên quan, cung cấp cho các doanh nghiệp Đài Loan đang hoạt động tại Việt Nam những thông tin chi tiết nhất.

Tiến sỹ Vũ Mạnh Chu nhấn mạnh: “Hành vi sử dụng phần mềm bất hợp pháp của các doanh nghiệp có thể đối mặt với tội hình sự và các hình thức xử phạt nghiêm khắc của pháp luật. Ngoài ra, người sở hữu tác quyền cũng được quyền sử dụng các biện pháp khác để xử lý việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình, như tiến hành khiếu tố tại tòa án có thẩm quyền theo Điều 198.1d, Luật Sở hữu trí tuệ, và/hoặc yêu cầu tòa án buộc người vi phạm phải ngừng hành động vi phạm, chính thức xin lỗi và có biện pháp khắc phục, yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại, kể cả thiệt hại vật chất, cũng như trả án phí theo các Điều 202, 204, 205, Luật Sở hữu trí tuệ. Mức độ thiệt hại được xác định dựa trên những tổn thất thực tế đối với người có quyền sở hữu trí tuệ, do hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra.”

Luật sư Da-Fa Feng, Văn phòng luật sư Baker & McKenzie tại Đài Loan cho biết “Các doanh nghiệp sản xuất hay Chánh sở tư pháp bang Washington có thể khởi kiện dân sự đối với những người có hành vi cạnh tranh không lành mạnh do sử dụng sản phẩm công nghệ thông tin bị đánh cắp hay chiếm dụng trong sản xuất, phân phối, tiếp thị hay bán sản phẩm của mình tại bang Washington. Luật tương tự cũng đã được thông qua ở bang Louisiana. Do vậy, các hành vi trái với luật này sẽ khiến doanh nghiệp sản xuất đứng trước nguy cơ phải bồi thường thiệt hại, bị tịch thu hàng hóa và thậm chí bị tước quyền tiếp cận một thị trường màu mỡ là Hoa Kỳ.”

“Mặt khác, các hãng sản xuất sử dụng sản phẩm công nghệ thông tin hợp pháp sẽ được lợi theo luật này, bởi luật tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho những nhà sản xuất trước đó đã phải chịu bất lợi về cạnh tranh trước những người cạnh tranh không bình đẳng do sử dụng sản phẩm công nghệ thông tin không bản quyền,” ông Da-Fa Feng phát biểu tại hội thảo.

Ông Đào Anh Tuấn, Đại diện Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) cho biết: theo một nghiên cứu của IDC, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mêm tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APAC) là 60% vào năm 2010, tương đương với 18.7 tỷ USD tiền vi phạm. Cũng trong năm 2010, theo thống kê, trong 5 phần mềm thì có 3 phần mềm bị sử dụng bất hợp pháp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục