Cập nhật tình hình COVID-19 sáng 2/2: Thế giới có 103,9 triệu ca nhiễm

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh COVID-19, trong 24 giờ qua có thêm 114.934 ca nhiễm và 1.739 ca tử vong.
Cập nhật tình hình COVID-19 sáng 2/2: Thế giới có 103,9 triệu ca nhiễm ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 2/2, thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 103,9 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 2.246.755 ca tử vong.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh COVID-19, trong 24 giờ qua có thêm 114.934 ca nhiễm và 1.739 ca tử vong. Hiện tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tại nước này đã lên lần lượt 26,9 triệu ca và 454.048 ca.

Ấn Độ đứng thứ hai thế giới về số ca mắc với hơn 10,76 triệu ca và đứng thứ ba về số ca tử vong với 154.522 ca.

Với hơn 9,23 triệu ca mắc và 225.143 ca tử vong, Brazil đứng thứ ba thế giới về số ca mắc song đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong.

Tại châu Âu, dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan mạnh, theo đó Anh, Tây Ban Nha và Nga đều ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới. Cụ thể, trong 24 giờ qua Anh ghi nhận 18.607 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 3.835.783 ca, trong khi số ca tử vong cũng tăng thêm 406 lên 106.564 ca.

Trong ngày 1/2, Chính phủ Anh đã tăng cường tiến hành xét nghiệm đại trà ở những vùng dịch bệnh bùng phát sau khi ghi nhận 11 người ở các vùng khác nhau nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Nam Phi. Bộ Y tế Anh đã kêu gọi công dân trên 16 tuổi ở nhiều khu vực của London, vùng Trung, Đông, Đông Nam và Tây Bắc England đi xét nghiệm trong tuần này cho dù có hay không có biểu hiện mắc bệnh.

Trong khi đó, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 25.867 ca mắc và 254 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại nước này lên lần lượt 2.852.729 ca và 59.081 ca. Nga ghi nhận thêm 17.648 ca mắc, nâng tổng số lên 3.868.087 ca, trong đó có 73.619 ca tử vong, tăng 437 ca.

Tại Hà Lan, Bộ trưởng Y tế  Hugo de Jonge cho biết số ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Anh đã chiếm một nửa số ca nhiễm mới ở nước này cho đến ngày 26/1. Chính phủ Hà Lan liên tục cảnh báo các biến thể mới có thể gây ra làn sóng dịch bệnh mới ở nước này trong những tuần tới, mặc dù kể từ đầu năm đến nay số ca mắc giảm mạnh. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Hà Lan đã ghi nhận gần 1 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 14.000 ca tử vong.

Tại Bồ Đào Nha, số ca tử vong do COVID-19 trong tháng 1 vừa qua chiếm hơn một nửa tổng số ca tử vong từ khi dịch bùng phát đến nay, cho thấy mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh tại nước này.

[COVID-19: Anh tăng xét nghiệm đại trà, Hà Lan có nhiều ca biến thể mới]

Theo thống kê của giới chức y tế Bồ Đào Nha, trong tổng số 12.482 ca tử vong từ đầu dịch đến nay, riêng trong tháng 1 vừa qua có 5.576 ca, chiếm 44,7%. Số ca nhiễm trong tháng 1 cũng chiếm tới 43% trong tổng số hơn 711.000 ca nhiễm tại nước này.

Hệ thống y tế của Bồ Đào Nha đang bên bờ sụp đổ, các xe cứu thương xếp hàng chờ hàng giờ vì không có đủ giường cho bệnh nhân.

Đức ngày 1/2 đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh về tiêm chủng, theo đó chính quyền trung ương và địa phương ở Đức nhất trí sẽ xây dựng một kế hoạch tiêm chủng toàn quốc. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết những "nút thắt" trong nguồn cung vắcxin sẽ nhanh chóng được giải quyết, đồng thời cam kết có thể cung cấp đủ vắcxin cho mọi người dân Đức vào cuối mùa Hè này.

Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi (CDC Châu Phi) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 3.567.552 trường hợp mắc COVID-19 và 91.006 ca tử vong. Số bệnh nhân COVID-19 đã bình phục trên toàn châu lục này là 3.052.143 người.

Khu vực phía Nam châu Phi có số trường hợp mắc bệnh cũng như số ca tử vong nhiều nhất châu lục, tiếp theo là khu vực Bắc Phi. Các quốc gia châu Phi ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất lần lượt là Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ai Cập, Ethiopia...

CDC châu Phi cho biết đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 2 ở châu lục này có thể liên quan đến sự xuất hiện của nhiều biến thể mới và dễ lây lan hơn. Tính đến ngày 27/1, ít nhất 40/55 quốc gia châu Phi đã ghi nhận làn sóng dịch thứ hai, đặc biệt là đối với các quốc gia ở khu vực phía Nam của châu lục.

Riêng tại Nam Phi, Tổng thống Cyril Rampahosa thông báo từ ngày 2/2 chính phủ bắt đầu nới lỏng một số biện pháp phong tỏa cấp độ 3 tăng cường, được áp dụng từ ngày 28/12/2020 để đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ 2 tại nước này.

Quyết định này được đưa ra căn cứ mức độ lây nhiễm tại Nam Phi đã giảm trong những ngày gần đây và thời kỳ nghỉ lễ đã kết thúc. Tuy nhiên, các quy định về giãn cách xã hội, bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, việc tụ tập đông người,… vẫn cần tuân thủ những quy định của mức phong tỏa cấp độ 3.

Liên quan công tác triển khai tiêm chủng vắcxin, Nam Phi ngày 1/2 đã tiếp nhận lô vắcxin đầu tiên gồm một triệu liều AstraZeneca do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất, dự kiến sẽ được sử dụng để tiêm chủng cho các nhân viên y tế tuyến đầu, bắt đầu từ giữa tháng 2 này.

Cùng ngày, Giám đốc khu vực Đông Địa Trung Hải của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - ông Rick Brennan cho biết Tunisia và Palestine nằm trong số được cung cấp vắcxin phòng COVID-19 đợt đầu tiên từ chương trình tiếp cận vắcxin COVAX, nhưng các quốc gia nghèo hơn ở Trung Đông sẽ phải đối mặt với “khoảng cách lớn” trong việc cung cấp vắcxin sớm.

Theo quan chức WHO, dự kiến Palestine sẽ nhận được 37.000 liều vắcxin phòng COVID-19 do Pfizer/BioNTech sản xuất từ giữa tháng 2, trong khi Tunisia sẽ nhận được 93.600 liều. Khu vực Đông Địa Trung Hải theo phân chia của WHO bao gồm các nước Afghanistan, Pakistan, Somalia và Djibouti, cũng như các quốc gia Trung Đông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục