Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão số 1, ở đảo Bạch Long Vĩ đã có gió giật mạnh cấp 9, ở Móng Cái và đảo Cô Tô có gió giật mạnh cấp 7. Ở các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Nam Định đã có mưa dông.
Hồi 21 giờ ngày 23/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 107,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 130km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là khoảng từ 60-75 km/giờ), giật cấp 9-10.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km, đến 7 giờ 24/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển ven bờ Quảng Ninh-Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 8 (tức là khoảng từ 60-75 km/giờ), giật cấp 9 -10.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 3.
Khu vực tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10; các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 3.
Trong 12-24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.
Đến 19 giờ ngày 24/6, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22 độ Vĩ Bắc; 106 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 40 km/giờ).
Từ đêm 23/6 đến ngày 25/6, ở Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to; riêng khu vực Đông Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lên ở thượng lưu từ 3-6m, ở hạ lưu từ 2-3m. Nguy cơ cao xuất hiện lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang. Cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 1.
Cũng trong ngày 23/6, Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an đã có công điện gửi Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Tổng cục, đơn vị; Công an các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình và các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang chỉ đạo chủ động đối phó với cơn bão số 1.
Để chủ động đối phó với diễn biến của cơn bão số 1, Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an đề nghị Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện số 06/CĐ-TW, ngày 23/6/2015 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và chỉ đạo của chính quyền địa phương về đối phó với cơn bão số 1.
Phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương khẩn trương kêu gọi các tàu, thuyền đang hoạt động trong Vịnh Bắc Bộ, đặc biệt là các phương tiện hoạt động ở phía Bắc vịnh Bắc Bộ vào nơi trú, tránh bão; hướng dẫn, sắp xếp việc neo đậu đảm bảo an toàn đối với các các tàu thuyền đã về bờ; các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng chủ động cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi (kể cả tàu vận tải và tàu du lịch); triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người sinh sống ven biển, trên các đảo, các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản, đảm bảo an toàn các hầm lò, cầu tầu, bến cảng, các khu du lịch, sẵn sàng phương án sơ tán dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Công an các đơn vị, địa phương liên quan cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ trên địa bàn, cảnh báo thông tin kịp thời và chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân ở các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở núi, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản; triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa; tổ chức kiểm soát người qua lại tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu./.