Cập nhật 300 bài hát sáng tác trước 1975, Đại biểu Quốc hội lên tiếng

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, những bài hát sáng tác trước năm 1975 chưa được cấp phép là do yếu tố lịch sử và ngành văn hóa cần làm ngay việc này, không cấp phép nhỏ giọt...
Cập nhật 300 bài hát sáng tác trước 1975, Đại biểu Quốc hội lên tiếng ảnh 1Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến việc cấp phép ca khúc của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Mới đây, đơn vị này đã rà soát, cập nhật, bổ sung vào danh mục các bài hát sáng tác trước năm 1975 khoảng 300 ca khúc đã phổ biến rộng rãi trong những năm qua, trong đó có nhiều ca khúc “nhạc đỏ.”

Thông tin này lập tức thu hút sự quan tâm của công chúng. Trong số 300 ca khúc mà Cục Nghệ thuật biểu diễn cập nhật lần này có những bài ca ngợi cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của quân và dân ta như: “Bước chân trên dải Trường Sơn," "Chào em cô gái Lam Hồng,” “Chào sông Mã anh hùng,” “Bình Trị Thiên khói lửa." Cùng với đó là rất nhiều bài hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh như “Biết ơn cụ Hồ Chí Minh,” “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó,” “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng,” các bài hát nổi tiếng về Hà Nội...

Về vấn đề này, trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, đã là sản phẩm của đời sống thì không cần cấp phép nữa. Bởi, khi tác phẩm đã đi vào đời sống thì làm các thủ tục là không cần thiết.

“Bây giờ hãy quan tâm đến những gì bức xúc rồi gỡ ra chứ không phải cứ như để tạo dấu ấn, thể hiện quyền lực,” ông Quốc nói.

[Phó Thủ tướng: Không cần cấp phép các bài hát đã quen thuộc]

Theo vị đại biểu này, cái cần cần nhất là xử lý những di sản có những yếu tố thay đổi chế độ nên phải giải quyết. Còn các bài ca cách mạng, hát từ bao lâu nay rồi thì có gì phải vào để cấp phép?

“Ý nghĩa cấp phép ở đây là gì, quá lắm, anh chỉ hiểu cấp phép là những chương trình biểu diễn lấy tiền hay bảo vệ bản quyền. Nhưng bảo vệ bản quyền có cách khác của họ chứ không phải là chuyện đang làm,” ông Quốc bày tỏ quan điểm.

Bên cạnh đó, chức năng của Cục Nghệ thuật biểu diễn đúng là kiểm soát các hoạt động có tính chất kinh doanh hoặc công cộng nhưng theo ông Quốc, không phải cấp phép là cách duy nhất. Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xác định rõ chức năng, quyền của Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, những bài hát chưa được cấp phép là do có yếu tố lịch sử, ví dụ như những bài hát sáng tác trước năm 1975. Ông cũng muốn ngành văn hóa cần làm ngay việc này và làm tất cả chứ không phải chờ cấp phép nhỏ giọt.

[Cục Nghệ thuật biểu diễn lên tiếng về việc cập nhật 300 ca khúc]

“Tính từ thời điểm giải phóng miền Nam đến nay đã có hơn 40 năm rồi, chúng ta có cả một cơ chế, viện nghiên cứu, chuyên gia. Chính các chuyên gia mới là người quan trọng. Họ có thể tìm đánh giá lại di sản của âm nhạc để thấy cái gì hợp, không hợp nữa thì cần có kiến nghị. Và, Cục Nghệ thuật biểu diễn dựa vào kết quả ấy chứ không phải là người có quyền, cho phép,” ông Quốc bày tỏ.

Do đó, ông cho rằng cần có đề tài nghiên cứu để đánh giá toàn bộ di sản, trở thành cơ sở khoa học để xử lý tốt hơn trong thời gian tới.

Trước đó, văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chấn chỉnh việc cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc và hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Theo đó, lãnh đạo Chính phủ cho biết, các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục