Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế hướng dẫn các biện pháp cấp bách ứng phó với hải sản chết bất thường.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành và chính quyền địa phương khẩn trương xác nhận hải sản khai thác tại các vùng biển an toàn.
Đó là những tàu khai thác tại vùng biển từ 20 hải lý trở ra của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.
Khi tàu vào cảng, cán bộ giám sát của Chi cục Thủy sản sẽ cấp giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác tại vùng biển an toàn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản các địa phương trên thực hiện công tác giám sát hải sản an toàn.
Đối với hải sản được khai thác tại vùng biển ngoài 20 hải lý, khi phát hiện mẫu không đạt yêu cầu, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản báo cáo ngay về Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản để tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Đối với hải sản được khai thác trong vùng biển 20 hải lý, khi phát hiện mẫu không đạt yêu cầu, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cần báo cáo ngay cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban Nhân dân tỉnh để có biện pháp tiêu hủy, hỗ trợ cho ngư dân theo quy định và khuyến cáo ngư dân không tiếp tục khai thác tại vùng biển có mẫu phát hiện không đạt yêu cầu.
Hải sản chết bất thường dạt vào bờ hoặc do người dân vớt được trên các vùng biển ven bờ, không đảm bảo an toàn thực phẩm, các địa phương địa phương phải thu gom và xử lý bằng cách chôn lấp. Tuyệt đối không sử dụng làm thực phẩm cho con người hoặc chế biến làm thức ăn cho vật nuôi.
Người dân có hải sản khai thác được cơ quan chức năng xác định không an toàn thực phẩm buộc phải tiêu hủy và được hỗ trợ theo quy định.
Trong nuôi trồng thủy sản, người dân tạm thời chưa thả giống trong khi chờ xác định nguyên nhân, thường xuyên theo dõi và kiểm tra các yếu tố môi trường. Các ao đầm đang thả nuôi hạn chế cấp nước bổ sung trong khi chưa xác định nguyên nhân.
Trong trường hợp bắt buộc phải lấy nước biển vào vùng nuôi, người nuôi chỉ lấy nước tầng mặt, lúc đỉnh triều; không cấp trực tiếp nước biển vào ao đầm, bể nuôi; phải lấy nước biển qua ao chứa, ao lắng và thực hiện quy trình xử lý nước trước khi cấp vào ao đầm, bể nuôi./.