Dự án xây dựng mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ thành 6 làn xe giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư lên đến 4.737 tỷ đồng theo hình thức BOT sẽ được nhà đầu tư hoàn thành vào ngày 30/6 tới đây.
Ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ (nhà đầu tư cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ) cho biết, dự án hiện đã giải phóng mặt bằng được 28/30km, còn 5% trên tuyến đường cao tốc bị vướng không thi công được do xôi đỗ và các công trình hạ tầng kỹ thuật do địa phương chưa bàn giao.
[Dự án đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ giảm 25% phí từ ngày 15/10]
Theo cam kết ban đầu của thành phố Hà Nội, tháng 6/2016 dự án sẽ được bàn giao đất công và đất ruộng, tháng 9/2016 bàn giao đất thổ cư (tổng số hộ bị ảnh hưởng về đất ở là 218 hộ, đến nay vẫn còn 125 hộ dân chưa đền bù) và phía nhà đầu tư đã xây dựng được 3/5 khu tái định cư.
“Giải phóng mặt bằng dự án đang bị vướng thủ tục của Hà Nội dù kinh phí nhà đầu tư luôn sẵn sàng chi trả. Đoạn nào có mặt bằng sẽ yêu cầu nhà thầu thi công khẩn trương để đảm bảo tiến độ,” ông Khôi quả quyết.
Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà đầu tư tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ cho hay, để cho phương tiện đi lại trên tuyến thông suốt và an toàn, nhà đầu tư đã xin ý kiến Bộ Giao thông Vận tải cho sơn tạm vạch đứt và bổ sung biển báo với kinh phí 2,5 tỷ đồng ở những đoạn đường đã thi công giai đoạn 2 nhằm cảnh báo phương tiện có thể đi vào, tránh ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán tới đây. Sau này, khi tuyến đường xong sẽ bổ sung thêm đinh phản quang.
Đặt câu hỏi đến việc tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu giẽ có được thảm nhựa polime tạo nhạm mặt đường để đồng bộ với tuyến Ninh Bình-Cầu Giẽ, ông Khôi cho biết, khi giải phóng xong mặt bằng, nhà thầu thi công bù vênh và thảm lớp polyme bê tông nhựa rỗng. Đây là công nghệ của Nhật Bản lần đầu tiên áp dụng cho một tuyến đường cao tốc tại Việt Nam.
Theo tiết lộ của ông Khôi, lớp polyme bê tông nhựa rỗng vừa tạo nhám thay lớp novachip. Áp dụng công nghệ này sẽ giúp nước mặt đường thoát nhanh hơn mỗi khi trời mưa, có độ chống trơn trượt cao, giảm bắn bụi nước từ mỗi phương tiện giao thông, đảm bảo an toàn cho phương tiện giao thông trên đường. Một sự khác biệt so với các công nghệ khác là khi đi vào tuyến đường sử dụng công nghệ này, người lái xe sẽ cảm nhận ngay thấy tiếng ồn do lốp xe ma sát với mặt đường giảm.
Đề cập chi phí thảm lớp polyme bê tông nhựa rỗng, ông Khôi đưa ra chính kiến, với đường cao tốc, chi phí làm mới theo công nghệ từ đầu đến cuối sẽ không tăng mức đầu tư vì giảm được kết cấu áo đường.
“Tuy nhiên, tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ vốn được nâng cấp nên nên lớp bê tông nhựa rỗng này dày 4cm (trong khi lớp novachip chỉ là 2,5cm nên sẽ đắt hơn) nhưng độ bền cao và tích hợp được nhiều công dụng, tính năng an toàn cho lái xe,” ông Khôi nhìn nhận./.
Đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ được Bộ Giao thông Vận tải đầu tư, đưa vào khai thác từ năm 2002 với quy mô là đường cấp 1 đồng bằng, 4 làn xe.Năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải đã lập và phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ chia thành 2 giai đoạn thực hiện với tổng vốn hơn 6.269 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 1 (mức đầu tư 1.531 tỷ đồng) thực hiện cải tạo, nâng cấp tuyến đường 4 làn xe hiện tại ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 100km/giờ với bề rộng nền đường 25m đã hoàn thành và thu phí từ đầu tháng 10/2015.
Giai đoạn 2 (mức đầu tư 4.737 tỷ đồng) sẽ xây dựng mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 33,5m. Theo kế hoạch, giai đoạn 2 hoàn thành vào cuối năm 2017.