Cao tốc Nội Bài-Lào Cai: Có nhiều điểm giống đường… làng

Trên tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, rất nhiều hàng rào dây thép gai, tấm tôn sóng của hệ thống đảm bảo an toàn giao thông đã bị người dân tự ý mở, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Cao tốc Nội Bài-Lào Cai: Có nhiều điểm giống đường… làng ảnh 1Hàng rào trên tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai bị người dân tháo rõ, ảnh hưởng đến an toàn giao thông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai từ khi hoàn thành, đưa vào khai thác đến nay đã phát huy hiệu quả to lớn, giảm áp lực giao thông cho Quốc lộ 70 và Quốc lộ 2 đồng thời giảm tai nạn giao thông trong khu vực, rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội-Lào Cai.

Tuy nhiên, trên tuyến đường này, rất nhiều hàng rào dây thép gai, tấm tôn sóng của hệ thống đảm bảo an toàn giao thông đã bị người dân tự ý mở hoặc cản trở, không cho nhà thầu thi công đóng lại với lý do chưa xây dựng và hoàn thiện đường gom dân sinh.

Và, nhiều cánh tài xế lưu thông trên cao tốc vẫn thường hay ví von rằng, đường cao tốc nhưng cũng có nhiều điểm giống như… đường làng!

An toàn giao thông bị “rình rập”

Theo ghi nhận của phóng viên VietnamPlus, từ khi đưa vào khai thác, cao tốc Nội Bài-Lào Cai đã xuất hiện tình trạng nhiều người dân sống hai bên đường lấn chiếm hành lang, phá hàng rào để bán hàng trái phép dọc bên đường và đi xe máy vào đường cao tốc.

Thậm chí, nhiều đoạn người dân còn tự ý cắt hàng rào dây thép hoặc tháo dỡ lưới rào B40 và tôn hộ lan để đi bộ, đi xe máy trên đường cao tốc hoặc thả rông vật nuôi trên đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Vi phạm nhiều nhất phải kể tới các đoạn đi qua địa bàn các tỉnh Yên Bái và Lào Cai.

Thống kê của Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) cho thấy, trên toàn tuyến, còn một số điểm hàng rào bị người dân cắt phá hoặc đơn vị nhà thầu bắt buộc phải mở lối đi để thi công các hạng mục đường gom chưa hoàn thiện của khu vực đường cao tốc.

“Nguy hại hơn, sau khi phá hàng rào, hộ lan, người dân lại ngang nhiên phóng xe máy, xe đạp vào đường cao tốc. Cá biệt, những tốp học sinh đi xe đạp hàng hai trên đường cao tốc mặc dù các lối lên xuống đều có hệ thống biển báo cấm các loại phương tiện này lưu thông trên đường cao tốc,” đại diện VEC O&M cho hay.

Theo quan sát của phóng viên, dọc các xã Tân Thượng, Văn Bàn, Bảo Hà, Bảo Yên, Xuân Giao... người tham gia giao thông không khỏi giật mình trước thực trạng người dân tự ý phá bỏ, tháo dỡ hàng rào dây thép gai, tấm hộ lan sóng và các hạng mục phụ trợ ven hai bên đường.

Cao tốc Nội Bài-Lào Cai: Có nhiều điểm giống đường… làng ảnh 2Lý do hàng rào bị phá dỡ là chưa hoàn thiện đường gom dân sinh. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tại vị trí đường cao tốc đi qua xã Xuân Giao vào phố Lu (Thị trấn Bảo Thắng, Lào Cai), nhiều xe khách dừng đỗ trả khách. Hành khách xuống xe, đội quân xe ôm gần đó chạy vội ra đon đả đón khách. Chỉ cần chui qua hàng rào, người dân có thể về trung tâm thị trấn cách đó chừng 3Km, trong khi nếu đi đúng tuyến đường đến nút giao IC17 mới có điểm trả khách thì xa tới 16Km.

Anh Nguyễn Hữu Trung, lái xe tải có hành trình thường xuyên từ Hải Phòng-Lào Cai qua tuyến đường này đã có lần hú hồn vì những chướng ngại vật như người đi bộ, gia súc chạy qua đường, xe máy chạy ngược chiều đường cao tốc bất thình lình xuất hiện trước mũi xe.

“Xe đang chạy tốc độ cao từ 80-100Km sẽ rất khó xử lý tình huống nếu đột ngột có ‘biến’ trước mắt. Đường cao tốc quy định chỉ cho xe ôtô lưu thông nhưng người đi bộ, xe máy, gia súc vật nuôi vẫn vô tư chạy thì chả khác gì đường…làng,” anh Trung ví von.

Biết phạm Luật nhưng… đành làm

Đỗ xịch chiếc xe Wave trên tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai, ông Nguyễn Tiến Đài, xóm Đồng Danh, xã Minh Quân, Trấn Yên (Yên Bái) cho biết, từ khi tuyến đường này xây dựng và đưa vào khai thác, 20 hộ dân trong xóm có 1-2ha đồi nương/hộ thường ngày vẫn phải phá hàng rào an toàn giao thông, vi phạm Luật giao thông khi điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc do hệ thống đường gom chưa xây dựng.

“Khi làm đường, chủ đầu tư đã hứa làm đường gom nhưng đến giờ vẫn chưa có. Vì thế, các hộ dân đã kiến nghị và được sự đồng ý của VEC cùng chính quyền địa phương cho phá hàng rào để có thể vào canh tác trồng cây cũng như vào vụ mùa thu hoạch,” ông Đài thành thật.

Chỉ tay vào gần 1.000m2 ruộng lúa bị bỏ hoang từ 4 năm nay, bà Trịnh Thị Đào, xã Xuân Ái, Văn Yên (Yên Bái) bảo, trước kia, ruộng chỉ cách nhà 100m, mùa thu hoạch rất tiện. Từ khi đường cao tốc đi vào hoạt động, cánh đồng bị ngăn cách bởi tuyến đường chạy cắt ngang qua đồng thời không có đường vào.

“Muốn trồng lúa, phải phá hàng rào an toàn giao thông và đi băng cắt qua tuyến cao tốc xe chạy tốc độ cao thì chả khác nào đùa sinh mạng với tử thần. Vì thế, cả gia đình chả ai dám đánh đu, liều mình trồng lúa. Đến giờ, cả nhà phải đi bóc cây quế thuê để kiếm cơm qua ngày,” bà Đào than thở.

Cũng chính vì thế, ngay trước cửa nhà bà, tấm hàng rào của đường cao tốc rộng chừng 3m được mở toang hoang dù phía đơn vị vận hành tuyến đường đến sửa chữa và lắp đặt lại nhưng bà không đồng ý và cản trở thi công.

Cách đó không xa, ông Vũ Đức Hậu ở thôn Ù Tụ, xã Tân Thượng, Văn Bàn (Lào Cai) đang chậm rãi đi bộ dọc tuyến cao tốc để tới khu chợ Bảo Hà cách đó chừng 3Km.

Ông Hậu cho biết, dọc tuyến đường qua thôn có vài vị trí người dân tự ý phá rỡ hàng rào để lưu thông cho dù nhà thầu có làm đường gom dân sinh bên trong.

Giải thích điều này, ông Hậu cho rằng, đường gom chưa có rãnh thoát nước, chỉ đổ base nên cứ vào mùa mưa đất trôi lầy lội, đá lởm chởm khiến bà con đi qua đều gặp khó khăn trong khi đường cao tốc 2 làn nhẵn và êm thuận thì hà cớ gì lại không đi!

“Trẻ em đi học cũng chui qua các hàng rào này để đạp xe đến trường Tân Thượng dù biết rằng có thể gặp tai nạn giao thông thảm khốc bất cứ lúc nào. Dân cũng chỉ biết vi phạm luật vì đường gom chưa xong chứ không ai muốn hủy hoại tài sản quốc gia,” ông Hậu phân trần.

Theo đại diện đơn vị quản lý và điều hành cao tốc Nội Bài-Lào Cai, tuyến đường đã tiến hành sửa chữa, rào đóng, có những điểm bị phá đi phá lại rất nhiều, có điểm kết nối với đường Quốc lộ, tỉnh lộ nên sẽ xuất hiện tình trạng trốn phí lưu thông, gây thất thoát đến doanh thu của VEC và Nhà nước.

“Dù đơn vị vận hành và bảo trì đường cao tốc đã phát hiện và có các biện pháp phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động giáo dục người dân đến nay các điểm mở, cắt hàng rào đã được đóng lại. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân chưa chịu chấp hành đúng pháp luật cũng chỉ vì lý do chưa có đường gom dân sinh,” đại diện Trung tâm điều hành thành thật nói.

Và trong khi một số tuyến đường gom chưa làm hoặc đang xây dựng, trật tự an toàn giao thông tuyến cao tốc luôn bị “rình rập” và trông chờ nhiều vào sự ý thức của người dân dọc đường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục