Cao tốc Nha Trang-Cam Lâm sắp có hệ thống giao thông thông minh

Cao tốc Nha Trang-Cam Lâm sẽ được trang bị hệ thống giao thông thông minh toàn diện nhằm phục vụ cho việc quản lý, vận hành tuyến đường.
Mục tiêu của Tập đoàn Sơn Hải là đưa cao tốc Nha Trang-Cam Lâm lọt top những con đường đẹp nhất cả nước và cam kết bảo hành chất lượng 10 năm cho công trình này. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Dự án thành phần Cao tốc Nha Trang-Cam Lâm trở thành tuyến đầu tiên triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS) thuộc Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Theo đó, Tập đoàn Sơn Hải đã ký hợp đồng hệ thống giao thông thông minh với Công ty cổ phần Công nghệ-Viễn thông Elcom để triển khai hệ thống giao thông thông minh trên đoạn đường này với tổng giá trị hợp đồng gần 350 tỷ đồng.

Sau khi hoàn tất, Cao tốc Nha Trang-Cam Lâm sẽ được trang bị hệ thống giao thông thông minh toàn diện, bao gồm cả hệ thống giám sát điều hành trên tuyến và hầm, hệ thống thu phí không dừng, hệ thống thông tin liên lạc, camera giao thông… Dự kiến trong vòng hơn 6 tháng từ tháng 2-8/2023, hai đơn vị sẽ thực hiện xong toàn bộ hạng mục ITS.

Được biết, Dự án Cao tốc Nha Trang-Cam Lâm, mà tới đây Elcom sẽ triển khai ITS, là một trong 9 dự án thành phần còn lại của dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 1 (tổng chiều dài 652,8km), ngoài 2 dự án đã đưa vào khai thác là Cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn và Cao tốc Cam Lộ-La Sơn.

[Các tuyến Cao tốc Bắc-Nam sẽ triển khai giao thông thông minh]

Thời điểm đầu năm nay, 12 Dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021-2025) dài 723,7km với tổng mức đầu tư khoảng hơn 146.985 tỷ đồng cũng đã chính thức được khởi công đồng loạt.

Dự án đường bộ Cao tốc Nha Trang-Cam Lâm là Dự án thành phần thuộc Dự án Cao tốc Bắc-Nam với tổng chiều dài hơn 49km đã được khởi công vào tháng 9/2021, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư đường cao tốc Nha Trang-Cam Lâm thuộc Tập đoàn Sơn Hải thực hiện. Dự án hiện đã đạt hơn 70% khối lượng công việc và bước vào giai đoạn gấp rút để đạt mục tiêu hoàn thành trước 3 tháng so với dự kiến ban đầu./.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Quản lý kết cấu Hạ tầng Giao thông giai đoạn 2022-2030.

Một trong các mục tiêu lớn đặt ra là 100% các tuyến đường bộ cao tốc và các thành phố lớn trực thuộc Trung ương lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục