Đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đi vào hoạt động cùng nhiều dự án trọng điểm khác đã và đang gấp rút triển khai, hoàn thiện như Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng ở Lạch Huyện, cầu và đường vượt biển Tân Vũ-Lạch Huyện, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, đã tạo một “bệ phóng” cho kinh tế Hải Phòng trong năm 2016 và những năm tiếp theo.
Bí thư Thành ủy-Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Văn Thành chia sẻ, ba đột phá chiến lược gồm cải cách thủ tục hành chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại có giá trị gia tăng cao; trong đó coi phát triển dịch vụ cảng biển, dịch vụ hàng hải, dịch vụ logistics là thế mạnh, lợi thế của Hải Phòng; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới đã được thành phố quyết liệt thực hiện.
Thành phố tập trung cao cho các dự án nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, các hạ tầng điện, cấp thoát nước, xử lý rác thải, môi trường, y tế, giáo dục cùng nhiều dự án lớn, trọng điểm, chiến lược như Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng ở Lạch Huyện, cầu và đường vượt biển Tân Vũ-Lạch Huyện; các dự án hạ tầng kinh tế như VSIP, Tràng Duệ, Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải.
Đặc biệt, dự án Cảng hàng không quốc tế Cát Bi khẳng định sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Hải Phòng là địa phương duy nhất của cả nước được Thủ tướng Chính phủ giao là cấp quyết định đầu tư và là chủ đầu tư một dự án hạ tầng cấp Quốc gia.
Thêm một điểm nhấn, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đi vào hoạt động tác động quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thành phố và cả vùng. Nhờ đó, năm 2015, kinh tế thành phố từng bước vượt qua khó khăn, duy trì tốc độ tăng trưởng khá, GDP tăng 10,17% so với năm 2015, cao nhất trong bốn năm trở lại đây và gấp 1,56 lần bình quân chung cả nước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 16,52%, vượt kế hoạch đề ra; sản lượng hàng hóa thông qua các cảng đạt khoảng 69 triệu tấn, đạt 106,15% kế hoạch; tổng lượt khách du lịch đến thành phố đạt trên 5,59 triệu lượt, tăng 5,57% so với năm 2014; thu ngân sách nhà nước ước 56.288 tỷ đồng; trong đó, thu ngân sách địa phương đạt gần 17.240 tỷ đồng, tăng 22,4% so với năm 2014.
Giao thông đồng bộ, thuận lợi, môi trường đầu tư thông thoáng là “cú hích” mời gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Hải Phòng tiếp tục tăng trong năm 2015 với 44 dự án được cấp mới đưa tổng vốn đăng ký đạt 485,85 triệu USD, 20 dự án điều chỉnh tăng vốn 214,52 triệu USD. Số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn thành phố là 450 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 10,72 tỷ USD.
Đáng chú ý, Hải Phòng đã thu hút được nhiều dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại của các tập đoàn, công ty lớn, uy tín trên thế giới như Bridgestone, Fuji Xerox, Haengsung Electronics Việt Nam… Những dự án này góp phần tạo sự chuyển dịch mạnh trong cơ cấu công nghiệp từ các ngành truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như sản xuất giày dép, ximăng, sắt thép, đóng tàu, sang các ngành mới, tiết kiệm năng lượng, ít gây ô nhiễm môi trường và có giá trị gia tăng cao.
Cùng đó, nhiều dự án quan trọng đang gấp rút triển khai của các nhà đầu tư lớn trong nước như Him Lam, Xuân Trường, Vingroup... đã mở ra cơ hội lớn để Hải Phòng thực hiện tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết năm 2016, Hải Phòng sẽ khắc phục những hạn chế như thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành ở một số cấp, ngành; chưa chủ động và linh hoạt; nỗ lực, cố gắng trong chính quyền chưa đồng đều; cải cách hành chính chưa thực sự vững chắc. Theo đó, Hải Phòng tập trung đổi mới một cách cơ bản tư duy kinh tế, nâng cao năng lực lãnh đạo kinh tế của các cấp ủy đảng, nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý kinh tế của chính quyền.
Về công nghiệp, tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ thân thiện với môi trường, chú trọng công nghiệp biển, công nghiệp điện tử, điện gia dụng, công nghiệp hàng xuất khẩu; phát huy tiềm năng và lợi thế, phấn đấu Hải Phòng trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển, một trọng điểm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.
Về dịch vụ, thành phố sẽ tập trung phát triển lĩnh vực có thế mạnh, như các ngành dịch vụ cảng biển, hàng không, vận tải biển, logistics, du lịch.
Thành phố Hải Phòng cùng cộng đồng doanh nghiệp cũng đã sẵn sàng đón nhận những cơ hội và thách thức từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu, từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN đem lại.
Năm 2016, Hải Phòng phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra, với tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 10,5-11% so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 3.470 USD; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 17-18%; sản lượng hàng hóa thông qua các cảng đạt trên 80 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu tăng 18,5-19,5%; giải quyết việc làm cho khoảng 52.000 lượt lao động.
Tại cuộc làm việc mới đây với thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: “Hải Phòng cần mạnh dạn là địa phương đi đầu trong cả nước về hội nhập quốc tế, tranh thủ thời cơ thu hút nguồn lực xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp - thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại.” Với sự nỗ lực không ngừng, khai thác hiệu quả "địa lợi-thiên thời" sớm hiện thực hóa mong ước của thành phố nơi cửa biển./.