Cao tốc dài nhất Việt Nam thu được 1,5 tỷ đồng lệ phí/ngày

Cao tốc dài nhất Việt Nam thu được 1,5 tỷ đồng lệ phí một ngày

Dù tuyến đường Cao tốc Nội Bài-Lào Cai mới đưa vào khai thác từ tháng 9/2014 nhưng đến nay mỗi ngày đã thu được 1,5 tỷ đồng tiền phí từ các phương tiện lưu thông.
Cao tốc dài nhất Việt Nam thu được 1,5 tỷ đồng lệ phí một ngày ảnh 1Trạm thu phí tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, đường Cao tốc Nội Bài-Lào Cai mới đưa vào khai thác từ tháng 9/2014. Đến nay, mỗi ngày thu được 1,5 tỷ đồng tiền phí, sản lượng vận tải tăng hơn 30%.

Theo các hãng vận tải tự hạch toán kinh doanh, sau khi đã trừ tiền mua vé, nếu chở đúng tải khi lưu thông trên tuyến đường này thì giảm được chi phí 30%. Nếu đặt bài tính so sánh, với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, chi phí vận tải cũng giảm được 30% sau khi trừ tiền mua vé.

Liên quan đến phương án chuyển nhượng quyền thu phí để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia, ông Mai Tuấn Anh cho rằng, muốn bán được các dự án đường cao tốc thì điều đầu tiên là phải được xã hội ghi nhận. Hiện, VEC đang xúc tiến chuẩn bị hồ sơ mời thầu.

“Các nhà đầu tư cũng quan tâm phí, giá vé để tính toán khả năng thu hồi vốn đầu tư, tính hiệu quả, an toàn đồng thời cũng quan tâm đến cơ chế, chính sách.Với các dự án cao tốc thường có thời gian hoàn vốn lớn nên các Quỹ đầu tư nước ngoài là thích hợp,” vị Tổng giám đốc VEC cho hay.

Theo ông Mai Tuấn Anh, VEC đang xây dựng phương án bán dự án Đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình theo hình thức khai thác, vận hành, thu phí trong 30 năm sau đó sẽ trả lại cho Nhà nước. Còn đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây sẽ bán theo hình thức khai thác, vận hành, thu phí trong 20 năm sau đó trả lại Nhà nước.

Số liệu thống kê từ VEC cho thấy, sau một tháng đưa vào khai thác (từ 21/9) đã có 200.000 lượt xe lưu thông trên cao tốc Nội Bài-Lào Cai (trung bình 8.000 lượt/ngày đêm).

Báo cáo từ Công ty Vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) cho thấy, lưu lượng xe lưu thông trên Quốc lộ 70 giảm 75%, chỉ còn các loại phương tiện vận chuyển nội vùng. Trong đó, loại xe dịch chuyển nhiều nhất là xe tải hạng nặng (96%), xe con (79%). Thời gian lưu thông trên tuyến đường cao tốc mới giúp phương tiện giảm từ 3-4 giờ đồng hồ khi lưu thông, mức độ tiết kiệm nhiên liệu từ 20%-30% so với lộ trình cũ…

Hiện, VEC xây dựng phương án cổ phần hóa song song với việc xây dựng phương án thành lập các công ty cổ phần dự án, phương án chuyển nhượng quyền thu phí để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia./.

Đến nay, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam được Bộ Giao thông Vận tải giao làm chủ đầu tư 5 dự án đường cao tốc có tổng chiều dài 540km, tổng mức đầu tư 125.572 tỷ đồng.

Tại 5 dự án nói trên, vốn ngân sách Nhà nước tham gia đầu tư trực tiếp vào dự án 71.555 tỷ đồng (chiếm 57%); VEC tự huy động 54.000 tỷ đồng (chiếm 43%) từ nguồn vốn phát hành trái phiếu công trình, vốn vay vay thương mại (OCR) của ADB và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển (IBRD) thuộc Ngân hàng Thế giới.

Tính đến cuối tháng 10/2014, VEC đã đưa vào khai thác, thu phí các tuyến cao tốc như: Cầu Giẽ-Ninh Bình; Nội Bài-Lào Cai và một phần tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây với tổng chiều dài 320km.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2018, VEC sẽ lần lượt đưa vào khai thác phần còn lại của tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây (năm 2015); Đà Nẵng-Quảng Ngãi (năm 2017) và Bến Lức-Long Thành (năm 2018).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục