'Cao nguyên Golan' chỉ là bước đệm cho thỏa thuận thế kỷ?

Mạng Arab News đăng bài của cựu Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Yakis, trong đó đưa ra một góc nhìn về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan.
'Cao nguyên Golan' chỉ là bước đệm cho thỏa thuận thế kỷ? ảnh 1Khu vực Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng, ngày 25/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mạng tin Arab News vừa đăng bài phân tích của cựu Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Yakis, trong đó đưa ra một góc nhìn khác rất đáng chú ý liên quan tới việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, nội dung như sau:

Sự thừa nhận của Trump về chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan đã đặt ra câu hỏi liệu động thái này có phải là một phần trong kế hoạch hòa bình Trung Đông hay còn gọi là “Thỏa thuận thế kỷ” mà ông chủ Nhà Trắng đang theo đuổi hay không.

Với những vận động từ Cố vấn cấp cao Jared Kushner đồng thời là con rể của ông Trump, “Thỏa thuận thế kỷ” về cơ bản hướng tới việc giải quyết cuộc xung đột Palestine-Israel trên cơ sở giải pháp hai nhà nước.

Phải chăng Washington quyết định công nhận việc sáp nhập Cao nguyên Golan là một cử chỉ thiện chí mà Mỹ dành cho Israel trước khi yêu cầu quốc gia này phải thực hiện sự nhân nhượng tương tự dành cho người Palestine trong khuôn khổ “Thỏa thuận thế kỷ”?

Tháng 12/2017, trong cuộc trao đổi với nhà lãnh đạo chính quyền Palestine (PA) Mahmoud Abbas, ông Trump từng cam kết sẽ thực hiện một thỏa thuận tốt nhất có thể dành cho người dân Palestine và khẳng định phía Israel sẽ đưa ra những nhượng bộ thực sự (để đổi lấy những gì Washington đã làm cho Tel Aviv).

Trump tiếp tục lặp lại thông điệp này khi quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem hồi năm ngoái.

[Xung quanh việc Mỹ công nhận Cao nguyên Golan là lãnh thổ Israel]

Khi đặt bút ký sắc lệnh hiện thực hóa tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Benjamin Netanyahu tại Washington, Trump không hé lộ bất kỳ ẩn ý nào về những nhượng bộ mà Israel phải thực hiện.

Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu Trump có yêu cầu Netanyahu phải nhân nhượng ngay lập tức hay không, song nhìn vào thần thái nhẹ nhõm của Thủ tướng Israel, người ta có thể cảm nhận rằng ông không mong đợi bất kỳ áp lực nào từ Mỹ.

Trên thực tế, “Thỏa thuận thế kỷ” vẫn còn tồn tại nhiều điểm mơ hồ và các nội dung chính của nó vẫn chưa được tiết lộ. Giới quan sát chỉ có thể đồn đoán dựa trên kết quả từ những chuyến công du của cố vấn cấp cao Kushner tới một loạt quốc gia Trung Đông trong tháng 3 vừa qua, từ Các Tiểu vương quốc ArậpThống nhất (UAE) cho tới Saudi Arabia, Oman, Bahrain, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khuôn khổ chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ, ông Kushner có lẽ đã đề nghị Tổng thống Tayyip Erdogan sử dụng công cụ đòn bẩy và vận động để phong trào Hamas đồng ý với kế hoạch hòa bình mà đến nay vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan không thể hứa trước bất cứ điều gì mà Hamas có thể từ chối.

Nếu những đồn đoán về chủ đề này là đúng, các quyết định của Trump liên quan tới việc chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem và công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan chính là một phần của thỏa thuận này.

Truyền thông phương Tây thời gian qua nhắc nhiều tới khái niệm “hòa bình kinh tế”, tức là việc Mỹ có kế hoạch huy động hàng chục tỷ USD để đầu tư vào Dải Gaza, Bờ Tây và các quốc gia láng giềng, như là một sáng kiến để thuyết phục các bên ủng hộ “Thỏa thuận thế kỷ.” Điều này đã được một nguồn tin vùng Vịnh có liên quan đến các cuộc đàm phán của Kushner trong chuyến công du Trung Đông xác nhận.

Xuất thân là một doanh nhân thành đạt, Kushner có thể đã nghĩ rằng nếu đem lại các sáng kiến tài chính cho người Palestine, họ có thể bị thuyết phục để nhượng bộ về vấn đề đất đai.

Tuy nhiên, giả định này đã coi nhẹ tầm quan trọng của điều mà nhiều người dân Palestine luôn coi là bộ phận không thể tách rời. Cách dễ nhất để trả lời cho câu hỏi này là đảo ngược nó và đánh giá liệu người Israel có thể bị thuyết phục từ bỏ một phần đất của họ để đổi lấy các ưu đãi tài chính hay không.

Thậm chí, với quan điểm này, các nước vùng Vịnh giàu dầu mỏ sẽ sẵn sàng vận động số tiền đáng kể để thuyết phục Israel ủng hộ giải pháp như vậy nếu nó được đưa vào chương trình nghị sự.

Ngoài ra, nhiều ý tưởng phi thực tế khác đã được đề xuất với mục đích phá vỡ sự gắn kết của người Palestine với chủ quyền đất đai. Những ý tưởng này sẽ tồn tại dưới dạng một loạt trao đổi đất đai: Người Palestine sẽ trao Bờ Tây cho Israel để đổi lấy đất có giá trị tương đương mà họ sẽ nhận được từ Jordan; Jordan sẽ nhận phần đất tương xứng từ Saudi Arabia.

Ngược lại, Riyadh sẽ được đền bù bằng cách nhận từ Ai Cập hai hòn đảo ở Biển Đỏ; Và Cairo sẽ nhận Gaza từ Palestine. Tuy nhiên, ai có thể đảm bảo chuỗi trao đổi phi thực tế này?

Nhiều quốc gia Arab coi bất kỳ sự nhượng bộ nào liên quan tới lãnh thổ Palestine là sự phản bội đối với Palestine và họ sẽ không thể giải thích điều đó với chính người dân nước họ. Hơn nữa, kịch bản này cũng bỏ qua các nhân tố khác có ảnh hưởng lớn trong khu vực như Nga và Iran.

Những gì được biết cho đến nay là sáng kiến của Trump chưa phải là một thỏa thuận đã được hoàn tất. Rất nhiều nhà ngoại giao khéo léo trong quá khứ dù đã cố gắng hết sức để đạt được một thỏa thuận giữa Israel và Palestine, song không đem lại kết quả.

Liệu Trump và nhóm cộng sự của mình có thay đổi được điều đó và thành công trong lần này. “Thỏa thuận thế kỷ” dự kiến sẽ được tiết lộ sau cuộc bầu cử tại Israel vào ngày 9/4 tới. Người ta chỉ có thể hy vọng rằng nó sẽ không giống như một nỗ lực phát minh lại "bánh xe"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục