Cao Bằng: Xác lập kỷ lục số người hát Then, đàn Tính lớn nhất Việt Nam

Chương trình hát Then, đàn Tính năm 2023 - điểm nhấn của Lễ hội Thác Bản Giốc - có sự tham gia của 1.000 nghệ sỹ, diễn viên quần chúng trong trang phục Tày, Nùng và cùng biểu diễn hát Then, đàn Tính.
Cao Bằng: Xác lập kỷ lục số người hát Then, đàn Tính lớn nhất Việt Nam ảnh 1Đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập Kỷ lục cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng với màn công diễn Hát Then, Đàn Tính. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Ngày 7/10, tại Khu Du lịch Thác Bản Giốc (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức Chương trình Hát Then, Đàn Tính với chủ đề “Cội nguồn và Bản sắc Then Tính Cao Bằng.”

Đây là hoạt động điểm nhấn của Lễ hội Thác Bản Giốc năm 2023 khi có sự tham gia biểu diễn của 1.000 nghệ sỹ và diễn viên quần chúng trong trang phục truyền thống của đồng bào Tày, Nùng.

Nhân dịp này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao Bằng Chứng nhận và Kỷ niệm chương Xác lập Kỷ lục Màn đồng diễn Hát Then, Đàn Tính có số lượng người tham gia đông nhất Việt Nam cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng.

Lễ trao bằng chứng nhận cũng là dịp để tỉnh Cao Bằng tuyên truyền, gìn giữ, phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa của Hát Then, Đàn Tính, góp phần quảng bá rộng rãi loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này, qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển du lịch ở địa phương, phát huy giá trị Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Hát Then, Đàn Tính - Làn điệu dân ca mang đậm bản sắc của dân tộc Tày, Nùng

Theo quan niệm dân gian, “Then” có nghĩa là “Thiên” (Trời) và được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Then được coi là cầu nối tâm linh mang lời thỉnh cầu, mong ước của con người tới Pựt Luông (Ngọc Hoàng) và các vị thần về những điều may mắn và một cuộc sống tốt lành.

Hát Then chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng dân ca, dân vũ phong phú và đa dạng, thẩm thấu vào đời sống, văn hoá tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào Tày, Nùng, Thái ở vùng cao phía Bắc.

Vì vậy, vào mỗi dịp lễ lớn trong năm như cầu an, mừng nhà mới, cúng giỗ tổ tiên, mừng thọ ông bà, cha mẹ... đều không thể thiếu vắng Then.

Hát Then của người Tày, Nùng phản ánh chuyện từ đời sống, bản mường, đến chuyện tình yêu, ma chay, cưới hỏi…, ẩn chứa những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời của cư dân bản địa, có vai trò là cầu nối giữa con người với thần linh.

Khi nghiên cứu các lễ Then cổ truyền, các nhà nghiên cứu thấy rõ nhân sinh quan, thế giới quan và bản sắc văn hóa của đồng bào nơi đây.

Trong các nghi lễ cúng Then và hát Then của người Tày thường diễn ra trong 2 ngày đêm với các nội dung như: Lễ cúng tổ tiên, hành trình lên mời Ngọc Hoàng...

[Cao Bằng: Khai mạc Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc năm 2023]

Trong thời gian diễn ra nghi lễ, âm nhạc luôn được biểu diễn với nhiều làn điệu phù hợp với từng phần lễ.

Không gian trình diễn Then còn xuất hiện rộng rãi trong các hoạt động dân gian của cộng đồng người Nùng, người Thái ở vùng cao phía Bắc.

Lời hát Then vốn là những câu chữ được dân gian chắt lọc, gọt giũa; vừa là những câu thơ trữ tình, giàu nhạc điệu, vừa là lời khuyên răn, khích lệ; vừa là những kinh nghiệm về đối nhân xử thế...

Hát Then không chỉ giải quyết vấn đề tín ngưỡng, mà còn răn dạy con người, ngợi ca đạo đức, chê bai thói hư tật xấu; thể hiện tình yêu nam nữ hay ngợi ca tình yêu thiên nhiên, đất nước…

Cao Bằng: Xác lập kỷ lục số người hát Then, đàn Tính lớn nhất Việt Nam ảnh 2Các nghệ sỹ, diễn viên quần chúng tham gia hát Then, đàn Tính. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Trong diễn xướng hát Then có giai điệu lúc trầm, lúc bổng, khi trang nghiêm, khi rộn ràng, khi thanh tao, khi lâm ly, thống thiết… cuốn hút người tham dự.

Ngoài vẻ đẹp ca từ, giai điệu, âm thanh, Then còn quyến rũ trong vũ đạo và vẻ đẹp của các đồ thủ công truyền thống ở trang phục, đạo cụ trong nghi lễ.

Khi thực hành nghi lễ, người hát Then sử dụng các nhạc cụ như Đàn Tính, Chùm xóc nhạc, Quạt, Thẻ Âm dương, Kiếm.

Đàn Tính được coi là nhạc cụ “hồn cốt” của đồng bào Tày, Nùng, Thái, mang lại âm thanh mượt mà và ấm áp; đồng bào dùng tiếng đàn tính để thay lời muốn nói, bày tỏ nỗi niềm...

Đàn Tính là một loại nhạc cụ dân gian độc đáo, được làm bằng vỏ bầu, mặt đàn làm bằng gỗ vông, cán làm bằng gỗ cây khảo quang hoặc cây dâu tằm.

Tiếng hát Then và đàn Tính hòa quyện, phản ánh tâm tư tình cảm của người chơi trong khi người nghe cũng cảm nhận trong đó cuộc sống của mình.

Ghi nhận nét đặc sắc của nghệ thuật Hát Then, ngày 12/12/2019, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra tại Bogota, Thủ đô nước Cộng hòa Colombia, “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại.

Quảng bá giới thiệu Thác Bản Giốc

Tỉnh Cao Bằng được thiên nhiên ưu ái, sở hữu nguồn tài nguyên du lịch, văn hóa hấp dẫn, đặc sắc được ví như viên ngọc xanh vùng Đông Bắc Việt Nam.

Đặc biệt, Danh thắng Quốc gia thác Bản Giốc nằm trên địa bàn huyện Trùng Khánh, được xếp hạng là một trong 10 thác nước kỳ vĩ nhất thế giới và top 7 kỳ quan thiên nhiên ở châu Á do tạp chí du lịch nổi tiếng National Geographic bình chọn năm 2017.

Cao Bằng: Xác lập kỷ lục số người hát Then, đàn Tính lớn nhất Việt Nam ảnh 3Du khách tham quan thác Bản Giốc ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Trong 9 tháng của năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến thác Bản Giốc đạt gần 227.000 lượt người.

Với chủ đề "Về miền non nước," Lễ hội Thác Bản Giốc năm 2023 được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh, nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, vùng đất, con người Cao Bằng nói chung, đặc biệt là giới thiệu, quảng bá Danh thắng Quốc gia Thác Bản Giốc.

Đây cũng là ngày hội văn hóa du lịch, cầu nối gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các vùng miền, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh Cao Bằng nói chung, huyện Trùng Khánh nói riêng.

Ngoài ra, lễ hội còn nhằm mở rộng giao lưu văn hóa, văn nghệ thể thao, tăng cường quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc, giới thiệu các sản phẩm du lịch ấn tượng của huyện Trùng Khánh đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Lễ hội diễn ra từ ngày 5-9/10/2023 tại huyện Trùng Khánh, gồm nhiều hoạt động đặc sắc và ý nghĩa như: Lễ rước nước cầu quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa; Triển lãm ảnh “Vẻ đẹp miền non nước;” Không gian trưng bày, giới thiệu sản vật, đặc sản, ẩm thực Cao Bằng; Hoạt động thể thao, trò chơi dân gian; Chương trình Hát then-Đàn tính; Tuần lễ trải nghiệm vườn dẻ ở Bản Khấy, xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục