Sau một thời gian tạm dừng hoạt động bởi sự ra tay ngăn chặn quyết liệt của cơ quan chức năng, tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực đầu nguồn sông Hiến, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng lại tái diễn nghiêm trọng khiến dòng sông Hiến sau một thời gian ngắn ngủi trong xanh trở lại nay lại đục ngầu và ô nhiễm trầm trọng.
Sông Hiến lại bị đầu độc
Trước tình hình trên, ngày 19/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã có Công văn số 2390/UBND về việc tăng cường công tác ngăn chặn, giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, tuy nhiên, vàng tặc vẫn lộng hành trên đầu nguồn sông Hiến.
Ngược dòng sông Hiến ngày 24/11 vừa qua, phóng viên TTXVN không khỏi bất ngờ bởi mức độ liều lĩnh của vàng tặc. Vừa đi cách địa phận thị xã Cao Bằng khoảng 3km theo con đường Tỉnh lộ 209 ở xóm Pác Khuổi, xã Lê Trung, Hoà An, tiếng máy nổ của xuồng hút cát đãi vàng đã nổ rầm rập náo động cả một khúc sông.
Tại bờ suối khu vực xóm Nà Đoỏng, xã Minh Khai, huyện Thạch An những chiếc máy bơm hút cát lớn đang hoạt động hết công suất.
Ngay cạnh mố cầu treo Nà Đoỏng, một nhóm sáu người đang hì hục đào bới dưới một cái hố sâu 4-5m, rộng chừng 30m2. Bên kia sông, hai nhóm người khác cũng đang hì hục đào bới, nạo vét tìm vàng, bờ sông lộn tung cát sỏi, lỗ chỗ những hố sâu. Với chiếc vòi to gần bằng cái phích nước trong tay, họ hút tất cả cát, sỏi, bùn lầy lên, xả vào chiếc máng đãi vàng.
Phía dưới máng, dòng bùn đỏ ngầu chảy lẫn vào dòng nước, mang theo những cơ man nào là bùn đất phù sa, gieo rắc ô nhiễm và mầm bệnh cho hàng vạn cư dân đang ngày đêm phải uống nước sông Bằng, sông Hiến.
Theo kết quả phân tích mẫu nước của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cấp nước Cao Bằng, từ ngày 15/8 vừa qua trở về trước, độ đục của mẫu nước lấy tại sông Hiến luôn ở mức trên 400NTU (chỉ số đo độ đục), cao gấp gần 20 lần mẫu nước của sông Bằng (đoạn chưa hợp lưu với Sông Hiến).
Thời gian gần đây, độ đục của sông Hiến đã giảm, nhưng vẫn ở mức rất cao. Mẫu nước sông Hiến phân tích ngày 24/11 vừa qua là 258-278NTU, trong khi mẫu nước của sông Bằng là 28-29NTU.
Chính quyền bất lực
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Đinh Hữu Thông, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Minh Khai than thở: "Chúng tôi cũng đã làm hết mình, nhưng cũng chẳng thay đổi được tình thế. Việc khai thác vàng ở đây đã diễn ra từ mấy mươi năm, tỉnh đã có lệnh cấm nhưng không được. Cứ mỗi khi nông nhàn, người dân địa phương lại kéo đi làm vàng, lúc thì công khai, khi thì âm ỉ lén lút."
"Chỉ khổ cho xã, đã nhiều nhiệm kỳ đều có cán bộ bị kỷ luật vì không chấm dứt được tình trạng khai thác vàng. Giá mà địa phương không có vàng thì chúng tôi đỡ khổ. Đúng là khóc trên đống vàng," ông nói
Ngăn chặn khai thác vàng là công việc khó khăn phức tạp, lâu dài bởi nó gắn liền với lợi ích kinh tế người dân. Chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức ngăn chặn, giải toả, xử phạt những người khai thác vàng trái phép; đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân ký cam kết không tái phạm. Tuy nhiên, người ta vẫn khai thác.
Khoảng thời gian từ năm 2007-2009, tình trạng khai thác vàng trái phép tại các xã Canh Tân, Minh Khai, Quang Trọng của huyện Thạch An bùng phát mạnh khi nhiều người dân huy động cả máy xúc, máy bơm công suất lớn đào bới, lật tung cả đồng ruộng để đãi cát tìm vàng.
Đầu năm 2010, sự ra tay kiên quyết của chính quyền khiến cho tình hình khai thác vàng ở đây lắng dịu, dòng Sông Hiến, Sông Bằng (con sông lớn cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân thị xã và huyện Hòa An, Phục Hòa) xanh lại một thời gian, tình trạng đào bới đất ruộng để tìm vàng đã không còn. Tuy nhiên, sau một thời gian chủ quan, buông lỏng, "vàng tặc" lại tiếp tục hoành hành.
Theo ông Thông, chính quyền xã có quá ít thẩm quyền nên không thể xử lý dứt điểm vấn đề. Xã chỉ được thành lập tổ kiểm tra gồm bốn người kiêm nghiệm và có quyền xử phạt cao nhất đối với máy xúc là 2 triệu đồng. Việc thu máy bơm hút rất khó vì tổ chỉ có bốn người, trong khi những chiếc đầu nổ máy bơm nặng đến hàng tạ, không thể khiêng đi được.
Mặt khác, những người khai thác toàn dân địa phương, người quen biết, thậm chí là họ hàng anh em nên việc xử lý rất khó, mỗi lần đi kiểm tra, tổ chỉ nhắc nhở, vận động nhân dân không khai thác, nhưng xem ra biện pháp này không mấy hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa xã Minh Khai và xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn tỉnh Bắc Kạn cũng chưa thực hiện được, dòng nước đục một phần do khai thác tại xã Bằng Vân chảy sang.
Ông chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã cho biết hiện nay chỉ còn một số hộ dân khai thác lén lút, nhỏ lẻ vào ban đêm, nhưng trên đường từ Ủy ban Nhân dân xã trở ra, phóng viên lại bắt gặp cảnh những nhóm người ngang nhiên dùng cả máy xúc để đào vàng.
Tại khu vực xóm Pác Duốc, xã Minh Khai có hai điểm khai thác quy mô lớn, mỗi điểm có hai máy xúc, nhiều máy bơm và hàng chục công nhân đang đào bới trong khúc sông xa xa khuất tầm nhìn.
Lại gần, quang cảnh dòng sông như một bãi chiến trường vừa bị bom dội. Cả dòng sông bị chặn lại cho nước chảy sang hướng khác, một khúc sông dài gần 500m bị máy xúc lật xới tan hoang.
Gần đó, những chiếc thùng phuy đựng dầu vứt lăn lóc ngổn ngang, dầu mỡ hòa lẫn bùn đất đỏ quạch chảy vào sông nước. Điểm khai thác tại km 20 tỉnh lộ 209 do một người đàn ông tự xưng tên là Đỗ, ở xã Minh Khai làm chủ.
Thấy chúng tôi, ông Đỗ cười phân bua: “Người ta ở tận Thái Nguyên còn lên đây mua đất để làm được, mình là dân bản địa ở đây, tội gì không làm.”
Điểm khai thác phía trên do một người tự xưng tên là Mai Công Dũng, quê ở Thái Nguyên làm chủ. Khi được hỏi có bị cơ quan chức năng đến kiểm tra, yêu cầu dừng khai thác không, ông Dũng không cần giấu diếm: “Anh em chúng tôi khai thác được 25 ngày rồi, cũng chưa thấy ai đến nói gì cả.”
Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã kiên quyết ngăn chặn tình trạng khai thác vàng trái phép ở thượng nguồn sông Hiến, bước đầu đã có kết quả đáng ghi nhận, dòng sông Hiến, sông Bằng đã có một thời gian trong xanh trở lại. Tuy nhiên, chỉ cần một chút chủ quan, lơi lỏng, vàng tặc lại lộng hành.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi vì sao, những kẻ trộm tài nguyên này huy động cả cỗ máy xúc to lù lù, những máy bơm công suất lớn, tiếng nổ ầm vang khắp núi rừng như mách bảo "chúng tôi đang ở đây" mà lại không bị chính quyền địa phương phát hiện và xử lý?
Dòng sông Hiến, sông Bằng có xanh trong trở lại được không? Câu hỏi còn chờ ở phía các cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng./.
Sông Hiến lại bị đầu độc
Trước tình hình trên, ngày 19/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã có Công văn số 2390/UBND về việc tăng cường công tác ngăn chặn, giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, tuy nhiên, vàng tặc vẫn lộng hành trên đầu nguồn sông Hiến.
Ngược dòng sông Hiến ngày 24/11 vừa qua, phóng viên TTXVN không khỏi bất ngờ bởi mức độ liều lĩnh của vàng tặc. Vừa đi cách địa phận thị xã Cao Bằng khoảng 3km theo con đường Tỉnh lộ 209 ở xóm Pác Khuổi, xã Lê Trung, Hoà An, tiếng máy nổ của xuồng hút cát đãi vàng đã nổ rầm rập náo động cả một khúc sông.
Tại bờ suối khu vực xóm Nà Đoỏng, xã Minh Khai, huyện Thạch An những chiếc máy bơm hút cát lớn đang hoạt động hết công suất.
Ngay cạnh mố cầu treo Nà Đoỏng, một nhóm sáu người đang hì hục đào bới dưới một cái hố sâu 4-5m, rộng chừng 30m2. Bên kia sông, hai nhóm người khác cũng đang hì hục đào bới, nạo vét tìm vàng, bờ sông lộn tung cát sỏi, lỗ chỗ những hố sâu. Với chiếc vòi to gần bằng cái phích nước trong tay, họ hút tất cả cát, sỏi, bùn lầy lên, xả vào chiếc máng đãi vàng.
Phía dưới máng, dòng bùn đỏ ngầu chảy lẫn vào dòng nước, mang theo những cơ man nào là bùn đất phù sa, gieo rắc ô nhiễm và mầm bệnh cho hàng vạn cư dân đang ngày đêm phải uống nước sông Bằng, sông Hiến.
Theo kết quả phân tích mẫu nước của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cấp nước Cao Bằng, từ ngày 15/8 vừa qua trở về trước, độ đục của mẫu nước lấy tại sông Hiến luôn ở mức trên 400NTU (chỉ số đo độ đục), cao gấp gần 20 lần mẫu nước của sông Bằng (đoạn chưa hợp lưu với Sông Hiến).
Thời gian gần đây, độ đục của sông Hiến đã giảm, nhưng vẫn ở mức rất cao. Mẫu nước sông Hiến phân tích ngày 24/11 vừa qua là 258-278NTU, trong khi mẫu nước của sông Bằng là 28-29NTU.
Chính quyền bất lực
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Đinh Hữu Thông, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Minh Khai than thở: "Chúng tôi cũng đã làm hết mình, nhưng cũng chẳng thay đổi được tình thế. Việc khai thác vàng ở đây đã diễn ra từ mấy mươi năm, tỉnh đã có lệnh cấm nhưng không được. Cứ mỗi khi nông nhàn, người dân địa phương lại kéo đi làm vàng, lúc thì công khai, khi thì âm ỉ lén lút."
"Chỉ khổ cho xã, đã nhiều nhiệm kỳ đều có cán bộ bị kỷ luật vì không chấm dứt được tình trạng khai thác vàng. Giá mà địa phương không có vàng thì chúng tôi đỡ khổ. Đúng là khóc trên đống vàng," ông nói
Ngăn chặn khai thác vàng là công việc khó khăn phức tạp, lâu dài bởi nó gắn liền với lợi ích kinh tế người dân. Chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức ngăn chặn, giải toả, xử phạt những người khai thác vàng trái phép; đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân ký cam kết không tái phạm. Tuy nhiên, người ta vẫn khai thác.
Khoảng thời gian từ năm 2007-2009, tình trạng khai thác vàng trái phép tại các xã Canh Tân, Minh Khai, Quang Trọng của huyện Thạch An bùng phát mạnh khi nhiều người dân huy động cả máy xúc, máy bơm công suất lớn đào bới, lật tung cả đồng ruộng để đãi cát tìm vàng.
Đầu năm 2010, sự ra tay kiên quyết của chính quyền khiến cho tình hình khai thác vàng ở đây lắng dịu, dòng Sông Hiến, Sông Bằng (con sông lớn cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân thị xã và huyện Hòa An, Phục Hòa) xanh lại một thời gian, tình trạng đào bới đất ruộng để tìm vàng đã không còn. Tuy nhiên, sau một thời gian chủ quan, buông lỏng, "vàng tặc" lại tiếp tục hoành hành.
Theo ông Thông, chính quyền xã có quá ít thẩm quyền nên không thể xử lý dứt điểm vấn đề. Xã chỉ được thành lập tổ kiểm tra gồm bốn người kiêm nghiệm và có quyền xử phạt cao nhất đối với máy xúc là 2 triệu đồng. Việc thu máy bơm hút rất khó vì tổ chỉ có bốn người, trong khi những chiếc đầu nổ máy bơm nặng đến hàng tạ, không thể khiêng đi được.
Mặt khác, những người khai thác toàn dân địa phương, người quen biết, thậm chí là họ hàng anh em nên việc xử lý rất khó, mỗi lần đi kiểm tra, tổ chỉ nhắc nhở, vận động nhân dân không khai thác, nhưng xem ra biện pháp này không mấy hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa xã Minh Khai và xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn tỉnh Bắc Kạn cũng chưa thực hiện được, dòng nước đục một phần do khai thác tại xã Bằng Vân chảy sang.
Ông chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã cho biết hiện nay chỉ còn một số hộ dân khai thác lén lút, nhỏ lẻ vào ban đêm, nhưng trên đường từ Ủy ban Nhân dân xã trở ra, phóng viên lại bắt gặp cảnh những nhóm người ngang nhiên dùng cả máy xúc để đào vàng.
Tại khu vực xóm Pác Duốc, xã Minh Khai có hai điểm khai thác quy mô lớn, mỗi điểm có hai máy xúc, nhiều máy bơm và hàng chục công nhân đang đào bới trong khúc sông xa xa khuất tầm nhìn.
Lại gần, quang cảnh dòng sông như một bãi chiến trường vừa bị bom dội. Cả dòng sông bị chặn lại cho nước chảy sang hướng khác, một khúc sông dài gần 500m bị máy xúc lật xới tan hoang.
Gần đó, những chiếc thùng phuy đựng dầu vứt lăn lóc ngổn ngang, dầu mỡ hòa lẫn bùn đất đỏ quạch chảy vào sông nước. Điểm khai thác tại km 20 tỉnh lộ 209 do một người đàn ông tự xưng tên là Đỗ, ở xã Minh Khai làm chủ.
Thấy chúng tôi, ông Đỗ cười phân bua: “Người ta ở tận Thái Nguyên còn lên đây mua đất để làm được, mình là dân bản địa ở đây, tội gì không làm.”
Điểm khai thác phía trên do một người tự xưng tên là Mai Công Dũng, quê ở Thái Nguyên làm chủ. Khi được hỏi có bị cơ quan chức năng đến kiểm tra, yêu cầu dừng khai thác không, ông Dũng không cần giấu diếm: “Anh em chúng tôi khai thác được 25 ngày rồi, cũng chưa thấy ai đến nói gì cả.”
Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã kiên quyết ngăn chặn tình trạng khai thác vàng trái phép ở thượng nguồn sông Hiến, bước đầu đã có kết quả đáng ghi nhận, dòng sông Hiến, sông Bằng đã có một thời gian trong xanh trở lại. Tuy nhiên, chỉ cần một chút chủ quan, lơi lỏng, vàng tặc lại lộng hành.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi vì sao, những kẻ trộm tài nguyên này huy động cả cỗ máy xúc to lù lù, những máy bơm công suất lớn, tiếng nổ ầm vang khắp núi rừng như mách bảo "chúng tôi đang ở đây" mà lại không bị chính quyền địa phương phát hiện và xử lý?
Dòng sông Hiến, sông Bằng có xanh trong trở lại được không? Câu hỏi còn chờ ở phía các cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng./.
Quốc Đạt (TTXVN/Vietnam+)