Nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng vừa có thông báo tạm dừng tổ chức học bán trú nhưng vẫn dạy học hai buổi theo quy định từ ngày 2/10.
Để đảm bảo điều kiện học tập, ăn, ở tốt nhất cho học sinh, Ủy ban Nhân dân thành phố Cao Bằng đã đề nghị các trường tiếp tục tổ chức mô hình học bán trú từ ngày 9/10.
Mô hình bán trú đối với cấp tiểu học được thành phố Cao Bằng thực hiện từ năm học 2015-2016 đến nay. Quá trình thực hiện đã đi vào ổn định, có nề nếp, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đa số gia đình học sinh, giúp phụ huynh yên tâm công tác, lao động.
Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 41/2023/NQ-HĐND, ngày 13/7/2023 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Cao Bằng về Quy định một số khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có quy định thu không quá 75.000/học sinh/tháng đối với việc quản lý trẻ, học sinh ăn, ở bán trú buổi trưa tại trường.
[TP Hồ Chí Minh: Cấm Ban đại diện cha mẹ học sinh thu ngoài quy định]
Mức thu này theo giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn thành phố là không đáp ứng công sức, thời gian mà giáo viên bỏ ra trông trẻ, học sinh vào buổi trưa.
Lý giải về nguyên nhân tạm dừng mô hình học bán trú từ ngày 2/10, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hợp Giang (thành phố Cao Bằng) Nông Tố Uyên cho rằng: Văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân dân tỉnh Cao Bằng đang bộc lộ một số bất cập. Ví dụ như quy định thuê người nấu ăn trưa cho trẻ, học sinh học 2 buổi/ngày là chi trả tiền công phục vụ, các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các loại bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật cho nhân viên nấu ăn trưa cho học sinh học hai buổi/ ngày.
Để thực hiện quy định này, nhà trường cần có thời gian để tìm người ký kết hợp đồng lao động đảm bảo theo yêu cầu quy định pháp luật; cơ sở vật chất nhà trường chưa chưa đáp ứng được yêu cầu của mô hình học bán trú.
Cô giáo Nông Thị Phương Tuyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Chung (thành phố Cao Bằng) cho biết theo công văn hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh về quản lý trẻ, học sinh ăn, ở bán trú buổi trưa tại trường chỉ cho phép giáo viên trông học sinh vào buổi trưa, trong khi hiện tại các nhà trường đã vận động nhưng giáo viên không có nguyện vọng trông học sinh ăn, nghỉ trưa tại trường. Vì thế, nhà trường sẽ dừng mô hình học bán trú từ ngày 2/10.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Cao Bằng Triệu Mỹ Vân, nếu dừng học bán trú thì hơn 300 giáo viên, gần 7.000 học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố sẽ bị ảnh hưởng. Đồng thời, khi giáo viên không nhận ở lại trông học sinh vào buổi trưa, nhiều gia đình không có điều kiện đưa đón con, để con tự về nhà sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn giao thông, tai nạn, thương tích…
Vì vậy, ngành Giáo dục thành phố Cao Bằng tiếp tục tuyên truyền tới giáo viên, nhân viên và phụ huynh về thực hiện nghiêm túc các quy định của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh về các khoản thu, mức thu phí phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh.
Ông Vũ Văn Đệ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cao Bằng, cho biết ông chia sẻ với những vất vả, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, nhân viên các trường Tiểu học trên địa bàn. Đồng thời, tiếp thu kiến nghị của các trường tiểu học để báo cáo lãnh đạo Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố, đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề tổ chức mô hình học bán trú trong thời gian tới.
Trong thời gian chờ những sửa đổi, bổ sung các khoản thu, mức thu phí phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh của cấp có thẩm quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cao Bằng đề nghị các trường tiểu học trên địa bàn tiếp tục thực hiện mô hình học bán trú từ 9/10. Giáo viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp với phụ huynh trong việc đảm bảo điều kiện học tập, ăn, ở tốt nhất cho học sinh./.