Cao Bằng-Niagara: Hình mẫu của mối quan hệ hợp tác thành công

Mô hình hợp tác giữa Cao Bằng và Niagara không chỉ hỗ trợ hai bên cùng khai thác phát triển du lịch thác nước, quản lý tài nguyên biên giới mà còn hình thành việc quản lý thương mại xuyên biên giới.
Cao Bằng-Niagara: Hình mẫu của mối quan hệ hợp tác thành công ảnh 1Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng (phải) trao tặng phẩm lưu niệm cho Chủ tịch IBT College./. (Ảnh: Vietnam+)

Trong chuyến thăm làm việc gần đây tại Niagara nhằm kết nối hợp tác và học tập mô hình thương mại xuyên biên giới cũng như phát triển du lịch, đoàn Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ký thỏa thuận với IBT College để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển của tỉnh trong tương lai.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, với sự phối hợp của Thương vụ Việt Nam tại Canada và các cơ quan, ban ngành của tỉnh bang Ontario cũng như của Ban kinh tế Vùng Niagara, đại diện tỉnh Cao Bằng đã chủ động quảng bá về vị trí và thế mạnh tiềm năng của tỉnh trong hợp tác phát triển kinh tế với cả trong và ngoài nước.

Cao Bằng đang tìm kiếm mối quan hệ hợp tác để phát triển hai trong số ba thế mạnh của mình là kinh tế biên mậu và du lịch dịch vụ.

Niagara là một đặc khu kinh tế biên giới, với vị trí chiến lược giữa các trung tâm công nghiệp của Canada và những đô thị lớn của nước Mỹ. Niagara còn là điểm du lịch nổi tiếng với những thác nước thu hút hàng chục triệu lượt khách mỗi năm.

Nhờ khả năng đáp ứng được những mục tiêu phát triển trong tương lai, nên Niagara đã được chọn là điểm đến hợp tác của Cao Bằng.

Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam, cho biết kinh tế Thác Niagara là một mô hình rất quan trọng đối với kinh tế Việt Nam bởi riêng lưu lượng thương mại của Canada đi qua nơi đây đã lên tới 13% tổng giá trị thương mại của nước này.

Việt Nam hiện có 21 tỉnh có khu vực biên giới mậu dịch tự do theo Nghị quyết 23 của Chính phủ về phát triển kinh tế khu vực biên giới. Do vậy, chúng tôi rất muốn hỗ trợ các tỉnh, thành, địa phương của chúng ta hợp tác với khu vực kinh tế Niagara để học tập không chỉ mô hình phát triển thương mại, thu hút đầu tư mà còn cả trong lĩnh vực du lịch dịch vụ.

Hiện nay, hoạt động giao thương giữa Việt Nam với Trung Quốc qua Khu kinh tế Cửa khẩu Cao Bằng đang rất sôi động. Cao Bằng luôn chào đón, đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Canada, để cùng đạt được sự thành công trong hợp tác kinh doanh và đầu tư tại tỉnh.

Cao Bằng-Niagara: Hình mẫu của mối quan hệ hợp tác thành công ảnh 2Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh (thứ hai bên trái) cùng các đại diện của IBT College chụp ảnh lưu niệm sau lễ ký kết thỏa thuận hợp tác./. (Ảnh: Vietnam+)

Ngoài những tiềm năng hợp tác về thương mại, Cao Bằng còn là địa phương có nhiều thế mạnh về hợp tác du lịch, đặc biệt là Thác Bản Giốc, nơi có vị trí tương tự như Thác Niagara của Canada. Thác Bản Giốc từng được vinh danh là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á và đang hứa hẹn là điểm thu hút hợp tác đầu tư.

Ông James Rice, Phó chủ tịch IBT College, nhận xét Thác Bản Giốc là một viên kim cương thô còn chưa được khai thác. Nó làm ông liên tưởng tới Thác Niagara cách đây nhiều năm. Đây chính là cơ hội để Việt Nam tận dụng và phát triển Cao Bằng trong thời gian tới. Nơi này có cả một dãy thác nước thật tuyệt vời để mọi người có thể tới chiêm ngưỡng, chụp những bức ảnh đẹp. Ông đã được chứng kiến những cặp đôi tới đó để chụp những bức ảnh thật lãng mạn và đó chính là một điểm du lịch vô cùng đặc biệt của Việt Nam.

[Việt Nam-Canada - mối quan hệ góp phần vào sự ổn định của khu vực]

IBT College là đơn vị đại diện cho Ban kinh tế Vùng Niagara ký thỏa thuận hợp tác với tỉnh Cao Bằng, trong đó có việc trao đổi đoàn để học tập kinh nghiệm giữa hai địa phương. IBT College cũng sẽ giúp Cao Bằng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch dịch vụ để phục vụ cho tương lại phát triển của tỉnh.

Ông Rice cho biết những kinh nghiệm phát triển của Thác Niagara có thể sẽ giúp định hướng hoặc sẽ có tác động phần nào tới tương lai phát triển của Thác Bản Giốc. Họ đang phối hợp chặt chẽ với tỉnh Cao Bằng để tiến tới mở trường đào tạo lao động trong lĩnh vực du lịch dịch vụ như nhân viên lữ hành, nhà hàng, khách sạn để giúp chuẩn bị nguồn nhân lực vì chúng tôi biết một nơi tuyệt đẹp như Cao Bằng sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân trong 10 năm tới.

Thác Bản Giốc và Thác Niagara có rất nhiều điểm tương đồng từ địa hình tự nhiên nằm trên biên giới giữa hai quốc gia tới cách vận hành cùng khai thác du lịch của hai nước có chung đường biên giới. Vị trí để phát triển kinh tế của tỉnh Cao Bằng cũng có nhiều điểm tương đồng với vị trí của Vùng Niagara, mặc dù khu vực này của Canada có giá trị thương mại xuyên biên giới lên tới 100 tỷ USD mỗi năm.

Cao Bằng-Niagara: Hình mẫu của mối quan hệ hợp tác thành công ảnh 3Đoàn công tác Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng thăm nhà máy sản xuất điện tại chân Thác Niagara. (Ảnh: Vietnam+)

Bà Trần Thu Quỳnh nhận định mô hình hợp tác giữa Cao Bằng và Thác Niagara là một hình mẫu của sự hợp tác thành công. Nó không chỉ hỗ trợ hai bên cùng khai thác phát triển du lịch thác nước và quản lý tài nguyên biên giới mà còn hình thành việc quản lý thương mại xuyên biên giới. Đây là mô hình mà Thương vụ tại Canada tin rằng sẽ có rất nhiều tỉnh thành ở Việt Nam quan tâm, hợp tác và thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài qua mô hình quản lý kinh tế này.

Quan hệ hợp tác giữa Cao Bằng và Niagara là một những hoạt động thiết thực trong chuỗi kỷ niệm 50 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao Việt Nam-Canada và cũng là dấu mốc ghi nhận 5 năm thực hiện Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà hai nước tham gia ký kết.

Kim ngạch thương mại Việt Nam-Canada đã đạt 7 tỷ USD trong năm 2022 bất chấp những ảnh hưởng của đai dịch COVID-19 và hai bên đang hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD trong những năm tiếp theo. Việt Nam đã là đối tác thương mại hàng đầu của Canada trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Canada trong nhóm 40 quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục