Cao Bằng: Nhiều tuyến đường sạt lở nghiêm trọng do mưa lớn

Trên 5 tuyến quốc lộ, 12 tuyến đường tỉnh thuộc địa bàn Cao Bằng xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc, hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Tuyến đường từ trung tâm huyện Hòa An đi xã Trương Lương (Cao Bằng) bị sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh: TTXVN phát)

Do ảnh hưởng của đợt mưa to kéo dài từ ngày 23/7-1/8, trên 5 tuyến quốc lộ, 12 tuyến đường tỉnh thuộc địa bàn Cao Bằng xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc, hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Lực lượng chức năng tỉnh đã có các giải pháp bảo đảm thông đường và tham gia ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Cụ thể, các tuyến quốc lộ: 4A, 34, 4C, 34B, đường Hồ Chí Minh mưa lớn nhiều ngày làm sạt lở nhiều vị trí với khối lượng đất đá cần xử lý trên 11.830m3, gây tắc đường cục bộ.

Đặc biệt, trên tuyến Quốc lộ 34 đoạn từ Km 92+800 xã Lý Bôn (huyện Bảo Lâm), đoạn Km136, Km 139+700 xã Kim Cúc, Km 143+350 xã Hưng Đạo (huyện Bảo Lạc) bị sạt lở gây tắc đường, các phương tiện không thể di chuyển.

Đường tỉnh 202 sạt lở với khối lượng đất đá 960m3; Đường tỉnh 206 sạt lở với khối lượng đất đá 989m3; Đường tỉnh 209 sạt lở với khối lượng đất đá 508,884m3; Đường tỉnh 212 sạt lở với khối lượng đất đá 970m3; Đường tỉnh 216 sạt lở với khối lượng đất đá 838m3…

Tại một số vị trí xuất hiện tình trạng đất, đá tràn xuống lòng đường, làm xói lở mặt đường, rãnh thoát nước hai bên đường, sụt lún nền đường.

Một số điểm xuất hiện các tảng đá trên cao rơi tự do, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Nhiều vị trí có kết cấu đất, đá yếu, có mạch nước ngầm chảy dẫn đến tình trạng sạt lở còn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Cao Bằng Lê Văn Định cho biết đơn vị đã thành lập các đoàn tiến hành kiểm tra các vị trí sạt lở, đồng thời chỉ đạo Ban Quản lý Bảo trì đường bộ tỉnh, các nhà thầu tăng cường máy móc, thiết bị, thi công dứt điểm các vị trí đã xử lý ùn tắc, bảo đảm giao thông; kịp thời xử lý các vị trí phát sinh, bảo đảm giao thông an toàn và thông suốt; cắm các biển cảnh báo tại các khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, bố trí người cảnh giới hướng dẫn giao thông, dọn dẹp đất, đá sạt lở, bảo đảm thông đường và tham gia ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Cùng với việc sạt lở tại các tuyến đường, mưa lũ làm 2 người ở huyện Hà Quảng bị thương vong; 23 nhà bị thiệt hại do sạt lở đất; sơ tán khẩn cấp 4 hộ dân ở huyện Bảo Lạc, huyện Nguyên Bình do nguy cơ tiếp tục bị sạt lở đất. Mưa lũ cũng làm trên 30 ha hoa màu, lúa, cây lâm nghiệp bị vùi lấp, ngập nước.

Bà Ma Thị Huyền Linh, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng, cho biết trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngày 1/8, Ban Chỉ huy ban hành Công điện về việc tập trung biện pháp giảm thiểu thiệt hại về người và chủ động ứng phó mưa lũ, sạt lở đất.

Tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố và các đơn vị tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra; bổ sung lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở; tập trung chỉ đạo công tác vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện, không để xảy ra lũ, lũ quét, ngập lụt hạ du và thượng lưu đập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục