Cao Bằng nhanh chóng "4 tại chỗ" khắc phục hậu quả mưa lũ Cao Bằng

Trước tình hình mưa lũ nghiêm trọng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ban hành Công văn về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và chủ động ứng phó với thiên tai.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn thường xuyên tuần tra trên Sông Bằng. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn thường xuyên tuần tra trên Sông Bằng. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Từ ngày 24-26/8, ở Cao Bằng tiếp tục có mưa diện rộng, gây lũ, sạt lở đất, ngập lụt khu vực trũng thấp tại các huyện Hòa An, Hà Quảng, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Thạch An và thành phố Cao Bằng.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng, mưa lũ làm ông Vi Văn Th (sinh năm 1966) và Dương Văn T (sinh năm 1994), thường trú tại xóm Cả Poóc, xã Mã Ba, huyện Hà Quảng mất tích.

Trước tình hình mưa lũ nghiêm trọng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ban hành Công văn về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và chủ động ứng phó với thiên tai.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan đơn vị, thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, sớm ổn định đời sống của nhân dân, đồng thời chủ động triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai hiệu quả phương châm “4 tại chỗ.”

Các điểm, khu vực dân cư có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đá, ngập lụt cần có phương án cụ thể để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nhân dân; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với mọi tình huống.

Các đơn vị chủ động bố trí lực lượng kiểm soát, phân luồng hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông tại các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu, không để xảy ra những trường hợp thiệt hại đáng tiếc về người.

Đồng thời, các bên liên quan huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn vệ sinh môi trường khu vực ngập lụt, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ; sửa chữa, khắc phục nhanh công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất ngay sau lũ.

Trong ngày 24-25/8, mưa ngập lụt đã khiến gần 390 nhà ở của người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại, trong đó có 4 nhà ở huyện Thạch An bị sập đổ hoàn toàn; gần 120 ha diện tích lúa, khoảng 600 ha hoa màu bị ngập nước; gần 300 con gia cầm, gia súc bị chết. Ba điểm trường mầm non, trường tiểu học và 1 nhà văn hoá xóm Nà Lẹng xã Trọng Con, huyện Thạch An bị sạt lở, gẫy đổ.

Các tuyến Quốc lộ 34 (đoạn qua xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm); Quốc lộ 3 (đoạn qua xã Quốc Toản (Cao Xuyên), huyện Quảng Hòa; Đường tỉnh 209 (đoạn qua cầu thuộc xã Hòa Chung, thành phố Cao Bằng) cùng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở các huyện Bảo Lâm, Thạch An, Hòa An, Hà Quảng, Quảng Hòa, Trùng Khánh bị sạt lở.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục