Cao Bằng đối mặt với khó khăn kép về nguồn nhân lực y tế

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng cho biết trong vòng 3 năm nay Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng tuyển 60-70 biên chế vào làm việc nhưng không có ai về làm.
Cao Bằng đối mặt với khó khăn kép về nguồn nhân lực y tế ảnh 1Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện nay nguồn nhân lực y tế của Cao Bằng vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng từ tuyến xã, huyện đến tuyến tỉnh.

Tuyến xã, huyện thu hút nhân lực gặp nhiều khó khăn đã rõ, nhưng tại bệnh viện tỉnh điều này cũng xảy ra.

Trong vòng 3 năm nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng tuyển 60-70 biên chế vào làm việc nhưng không có ai về làm. Tỉnh cũng tuyển hợp đồng làm việc với điều dưỡng nhưng hầu như không có người.

Ông Nông Tuấn Phong - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng đã nhấn mạnh như vậy trong buổi làm việc với đoàn Bộ Y tế về công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế của địa phương diễn ra ngày 7/4.

Nhân lực y tế thiếu trầm trọng ở các tuyến

Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Cao Bằng, toàn ngành y tế tỉnh có 3.226 công chức, viên chức; trong đó trình độ bác sỹ chuyên khoa II, thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa chiếm tỷ lệ 12%, Đại học chiếm tỷ lệ 28%, Cao đẳng chiếm tỷ lệ 22%, Trung cấp chiếm tỷ lệ 29%.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết trong những năm qua ngành Y tế của tỉnh Cao Bằng đang đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn, vừa phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

[Đánh giá hoạt động của bác sỹ trẻ tình nguyện tại Cao Bằng]

Hiện nay, tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế chiếm 98%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi duy dinh dưỡng là 16%, 91 trạm y tế xã có bác sỹ làm việc bao gồm cả bác sỹ tăng cường luân phiên tuần 2 buổi, trong đó trạm y tế có bác sỹ định biên là 130/161 xã (đạt tỷ lệ 81%).

Cao Bằng đối mặt với khó khăn kép về nguồn nhân lực y tế ảnh 2Ông Nông Tuấn Phong - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng nói về công tác đào tạo nhân lực của tỉnh. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Ông Nông Tuấn Phong nhấn mạnh nhiều khó khăn khi nhân lực y tế tại tuyến xã, huyện vẫn còn thiếu và yếu. Điển hình như nguồn nhân lực y tế tại các bệnh viện/trung tâm y tế huyện còn tương đối hạn chế. Hiện nay tại tỉnh Cao Bằng còn 2/10 trung tâm y tế tuyến huyện vẫn chưa thực hiện được phẫu thuật cấp cứu ngoại/sản gồm Trung tâm y tế huyện Hạ Lang và Trung tâm y tế huyện Trùng Khánh. Đây là những khó khăn khi địa hình các huyện xa xôi, hiểm trở, bệnh nhân khi cấp cứu ngoại/sản phải chuyển về tuyến tỉnh để thực hiện phẫu thuật.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng là bệnh viện hạng 2 tuyến tỉnh với quy mô 560 giường bệnh, 39 khoa phòng, 448 cán bộ viên chức. Bệnh viện thực hiện được từ 48-50% kỹ thuật theo phân tuyến của Bộ Y tế.

Một số kỹ thuật chuyên môn cao được triển khai thực hiện như mổ nội soi, chụp cắt lớp vi tính, kỹ thuật tán sỏi thận qua da có C.Arm, phẫu thuật thay khớp háng bán phần, kỹ thuật đo lưu huyết não… Số người bệnh phải chuyển tuyến hàng năm trung bình từ 3,7-4% so với bệnh nhân điều trị (chủ yếu các bệnh lý mạch máu, các loại ung bướu).

Cao Bằng đối mặt với khó khăn kép về nguồn nhân lực y tế ảnh 3Một ca phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện nguồn nhân lực của bệnh viện này thiếu trầm trọng, làm ảnh hưởng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức y tế để phát triển các danh mục kỹ thuật cao theo phân tuyến. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác khám chữa bệnh còn thiếu cả về số lượng và chất lượng.

Bà Lý Thị Bạch Như - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng bày tỏ: “Việc thiếu nhân lực, đặc biệt là các bác sỹ có trình độ chuyên khoa sâu, trang thiết bị cò thiếu… Bởi vậy, việc triển khai các danh mục kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn còn hạn chế, do đó chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu tương xứng với hạng của bệnh viện.”

Cần chiến lược “nâng hạng” bệnh viện tỉnh

Tại buổi làm việc, tiến sỹ Phạm Văn Tác - Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) phân tích tỉnh Cao Bằng cần có những thay đổi lớn trong công tác đào tạo nhân lực để đáp ứng nguồn nhân lực y tế cao trong giai đoạn hiện nay, không chỉ ở tuyến y tế cơ sở mà còn đặc biệt quan tâm thay đổi ở tuyến tỉnh.

“Hiện nay Bệnh viện đa khoa Cao Bằng mới chỉ ở hạng 2 - trong khi bệnh viện tuyến tỉnh của hầu hết các địa phương đều đang ở hạng 1. Vì vậy, đây là một thách thức rất lớn để y tế tỉnh Cao Bằng cần có những thay đổi chiến lược để “nâng hạng” bệnh viện tỉnh cho tương xứng với các tỉnh khác,” ông Tác chỉ rõ.

Chính vì vậy, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo cho rằng trong thời gian tới, để đảm bảo nhân lực cho việc phát triển mạng lưới y tế, tỉnh Cao Bằng cần liên kết với các Trường Đại học Y, Dược để đào tạo cán bộ y tế có trình độ đại học và sau đại học đặc biệt là đào tạo bác sỹ với nhiều hình thức như đào tạo liên thông, đào tạo bác sỹ cử tuyển, theo địa sử dụng hoặc theo nguồn nhân lực của tỉnh.

Cao Bằng đối mặt với khó khăn kép về nguồn nhân lực y tế ảnh 4Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng xây dựng kế hoạch để nâng bệnh viện từ hạng 2 lên hạng 1. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bác sỹ Lý Thị Bạch Như thì cho hay bệnh viện đang xây dựng kế hoạch công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức đáp ứng lộ trình phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng từ nay đến năm 2025 để nâng bệnh viện từ hạng 2 lên hạng 1.

Trong buổi làm việc, lãnh đạo Sở Y tế Cao Bằng và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng đề xuất Bộ Y tế và Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Thái Nguyên cùng tạo điều kiện giúp Cao Bằng tháo gỡ khó khăn trong nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Sở Y tế Cao Bằng cũng đề xuất với Bộ Y tế và các trường y dược tạo điều kiện bổ sung chỉ tiêu đào tạo các các bác sỹ tại đơn vị được tham gia học tập, đào tạo theo Dự án bác sỹ trẻ tình nguyện cũng như tăng cường liên thông, liên kết đào tạo nguồn bác sỹ liên thông đại học và sau đại học; tăng cường các chính sách thu hút nguồn nhân lực; đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống y tế tuyến cơ sở.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục