Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc) chính thức vận hành từ ngày 15/10 vừa qua. Đây là cơ hội để tỉnh Cao Bằng xây dựng những mô hình về du lịch xuyên biên giới, du lịch xanh giữa hai nước.
Mô hình đặc biệt mới
Mô hình hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc) là mô hình đặc biệt mới trong hợp tác giữa hai khu, hai nước cùng bảo vệ và khai thác sử dụng tài nguyên chung.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng Sầm Việt An, đây là mô hình đặc biệt mới vì chưa có tiền lệ trên thế giới. Lần đầu tiên tại khu vực biên giới, hai nước cùng hoạch định một phần lãnh thổ tạo thành khu cảnh quan để cùng nhau phối hợp, hội đàm, trao đổi, thống nhất phương án bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác nước nằm trên đường biên giới hai quốc gia. Dưới hạ lưu khu vực chân thác, du khách hai bên sử dụng bè mảng để cùng du ngoạn, ngắm cảnh thác, được tự do qua lại ranh giới trên sông biên giới.
Việc bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch Khu cảnh quan không ảnh hưởng tới chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia của Việt Nam và Trung Quốc; đồng thời tuân thủ các thỏa thuận liên quan giữa hai nước...
Hiện nay, hai bên đang tích cực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phối hợp xây dựng các công trình biên giới đặc sắc; đơn giản thủ tục qua lại; làm tốt công tác quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, có sức lan tỏa trong khu vực và quốc tế.
Cơ hội du ngoạn thác nước kỳ vĩ
Chỉ sau gần 1 tháng vận hành chính thức, Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc) đã đón gần 11.000 lượt khách qua lại chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của thác nước. Điều này cho thấy, tiềm năng to lớn trong hợp tác phát triển du lịch tại khu vực này.
Du khách Vương Thái Chân (26 tuổi), tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc rất vui sau 5 giờ tham quan thác Bản Giốc ở bên phía Việt Nam. Chị Chân cho biết vẻ đẹp của thác nước ngắm từ dưới lên rất hùng vĩ. Dòng nước tung bọt trắng xóa từ trên cao trông như những dải mây trắng bồng bềnh từ thiên đường chảy xuống. Tại khu cảnh quan có rất đông du khách đến tham quan.
Chị Thái Chân rất ấn tượng với dịch vụ ăn uống, những nét văn hóa đặc sắc của người dân bên phía Việt Nam. Sau đợt này, chị sẽ giới thiệu để gia đình, người thân đăng ký tham gia tour trải nghiệm khu cảnh quan…
Theo chị Nguyễn Thị Ngát, tỉnh Nam Định, Việt Nam, tham quan thác Bản Giốc từ phía nước bạn thật sự là trải nghiệm tuyệt vời. Ngắm toàn cảnh thác Bản Giốc từ trên cao, chị thấy được vẻ đẹp hùng vĩ của thác giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Những góc check-in ngay cạnh thác nước bên phía nước bạn được xây dựng khang trang, vị trí thuận tiện để du khách có những bức ảnh đẹp trong chuyến tham quan.
Chị Ngát chia sẻ: "Tôi rất hào hứng, thích thú với trải nghiệm này. Bên Trung Quốc tổ chức các hoạt động rất náo nhiệt và có nhiều quầy bán đồ lưu niệm phù hợp cho du khách." Về thủ tục, chị chỉ sử dụng hộ chiếu và cung cấp thông tin cá nhân cho đơn vị lữ hành trước 1 ngày. Việc thông quan tại trạm kiểm soát rất dễ dàng, cán bộ thân thiện và hướng dẫn tận tình…
Ông Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Cao Bằng, cho biết thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc) là điểm du lịch nổi tiếng, nằm trong vùng di sản Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Việc Khu cảnh quan đi vào vận hành chính thức đã tạo điều kiện cho du khách tham quan cảnh đẹp của thác nước; góp phần quảng bá xúc tiến phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo thêm sinh kế cho người dân…
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch và Văn hóa Quảng Tây (Trung Quốc) Ban Hòa Cân, sau khi Khu cảnh quan thác Bản Giốc-Đức Thiên chính thức vận hành, lượng du khách xuyên biên giới tăng từ 500 người/ngày lên 1.000 người/ngày mỗi bên. Vì vậy thời gian tới, ngành Du lịch tỉnh Quảng Tây tiếp tục đơn giản hóa thủ tục khai báo thông quan, nâng cao trải nghiệm của du khách bằng cách tối ưu hóa quản lý các dịch vụ, hướng đến xây dựng khu cảnh quan thành kiểu mẫu về du lịch xuyên biên giới.
Hợp tác phát triển du lịch xuyên biên giới
Với hơn 333km đường biên giới cùng các cặp cửa khẩu, lối mở song phương, sở hữu nhiều cảnh quan, nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, việc Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc) vận hành chính thức góp phần giúp Cao Bằng mở ra hướng đi mới trong phát triển loại hình du lịch xuyên biên giới.
Phát biểu tại lễ vận hành chính thức Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc), Phó Chủ tịch Chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây, Trung Quốc) Hồ Phàm nhấn mạnh đây là cơ hội để hai bên chung tay tạo dựng những mô hình hợp tác du lịch xuyên biên giới Việt Quốc- Trung Quốc.
Thực tế, để hiện thực hóa phát triển du lịch xuyên biên giới, những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã ký thỏa thuận hợp tác tuyến du lịch biên giới đi về trong ngày từ Cao Bằng (Việt Nam) tới Tịnh Tây (thành phố Bách Sắc, Trung Quốc) và ngược lại; thỏa thuận hợp tác giữa Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạc Nghiệp-Phượng Sơn; vận hành chính thức Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc)...
Thời gian tới, Cao Bằng tiếp tục nâng cao nhận thức về phát triển du lịch xuyên biên giới; đầu tư hạ tầng cơ sở; tăng cường xúc tiến quảng bá, phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường hợp tác quốc tế về du lịch, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư…
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh việc Khu cảnh quan vận hành chính thức đã khẳng định mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Trung Quốc.
Thời gian tới, hai bên tiếp tục phối hợp để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về Khu cảnh quan nói riêng và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam-Trung Quốc nói chung. Trên tinh thần xây dựng mô hình du lịch xanh xuyên biên giới, hai bên tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, các cơ sở tham quan để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách. Cùng với đó, hai bên tiếp tục bàn, thống nhất cơ chế vận hành các hoạt động hợp tác du lịch qua biên giới…/.
Cao Bằng: Đưa vào vận hành chính thức Khu cảnh quan thác Bản Giốc-Đức Thiên
Mô hình hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc) là mô hình đặc biệt mới; mô hình 2 khu, 2 nước cùng bảo vệ và khai thác sử dụng chung.