Cao Bằng cần theo dõi sát diễn biến mưa lũ, tránh để xảy ra sự cố đáng tiếc

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh Cao Bằng tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa lũ để chủ động ứng phó, tránh để xảy ra sự cố đáng tiếc, tiếp tục bố trí lực lượng trực 24/24 giờ để xử lý kịp thời.
Một ngôi nhà bị sập do lở đất ở xóm Lũng Súng. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Chiều 22/9, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Đoàn công tác kiểm tra thực địa, nắm tình hình tại khu vực sạt lở xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành và xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình.

Những địa phương xảy ra sạt lở đất, vùi lấp hoàn toàn 12 căn nhà của 12 hộ dân, làm 20 người chết.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao công tác chủ động chỉ đạo ứng phó, phòng chống bão lũ, thiên tai của tỉnh Cao Bằng.

Tỉnh đã phát huy được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, góp phần quan trọng giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra.

Nhấn mạnh công tác ứng phó sau mưa bão là vấn đề rất quan trọng, không được chủ quan, lơ là, Bộ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa lũ để chủ động ứng phó, tránh để xảy ra sự cố đáng tiếc, tiếp tục bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại các điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, ngập úng để xử lý kịp thời.

Đồng thời, tỉnh cần sớm khắc phục hậu quả sau thiên tai, đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.

Đối với các kiến nghị của tỉnh, đoàn công tác tiếp thu, tổng hợp đầy đủ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Với kiến nghị liên quan đến các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bộ sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ tỉnh tái thiết lại sinh kế, ổn định sản xuất cho bà con vùng bị thiệt hại.

Hoàn lưu bão số 3 đã gây mưa lũ, sạt lở tại Cao Bằng khiến 55 người chết, 19 người bị thương, 2 người mất tích; 2.239 ngôi nhà bị thiệt hại; gần 2.100ha lúa, hoa màu bị ngập; hàng nghìn gia súc, gia cầm bị chết, bị cuốn trôi; nhiều khu vực dân cư chia cắt, cô lập; nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch bị hư hỏng nặng nề; có 38 điểm trường bị hư hỏng do sạt lở đất, ngập nước, tốc mái; 45 công trình thủy lợi bị hư hỏng, sạt lở vùi lấp, đổ gãy; 23 cầu dân sinh, 5 trạm y tế, 7 công trình nhà văn hóa xóm và 24 công trình khác bị sạt lở, hư hỏng, ngập nước...

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, tỉnh chỉ đạo trực tiếp khắc phục hậu quả tại huyện Nguyên Bình; thành lập Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại huyện để trực tiếp chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và khắc phục khẩn cấp các điểm sạt lở đất làm ách tắc trên tuyến giao thông trọng yếu của tỉnh...

Tỉnh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, xem xét, hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại về nhà ở; các công trình cơ sở hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế; kinh phí khôi phục sản xuất nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do sạt lở, ngập lụt.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao 400 triệu đồng hỗ trợ xã Ca Thành, Yên Lạc khắc phục hậu quả thiên tai; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ 12 hộ gia đình có người thân bị thương vong do sạt lở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục