Là địa bàn sinh sống của 8 dân tộc chính, với hàng ngàn năm lịch sử, Cao Bằng là miền đất có nhiều lễ hội truyền thống độc đáo mang giá trị văn hóa, lịch sử cần được bảo tồn, lưu giữ và phát triển.
Cùng với chủ trương phát triển kinh tế du lịch của địa phương, các lễ hội ngày được tổ chức quy củ, bài bản hơn góp phần bảo tồn, phục dựng văn hóa truyền thống, thu hút khách du lịch.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng, địa bàn tỉnh hiện có hơn 100 lễ hội, chủ yếu là lễ hội truyền thống, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội du lịch.
Trong số đó, hai lễ hội được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia gồm Lễ hội Nàng Hai (xã Tiên Thành) và Lễ hội Tranh đầu pháo (thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa).
Lễ hội Nàng Hai thường được tổ chức 3 năm 1 lần từ ngày 30 tháng Giêng đến 22/3 Âm lịch với các đêm hát sướng có nội dung tưởng nhớ công chúa Tiên Dao của nhà Mạc, đồng thời để mời các “Nàng Hai” - con gái của “Mẹ Trăng” ở trên trời xuống thăm trần gian, giúp nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa.
Lễ hội tranh đầu pháo được tổ chức từ ngày 30 tháng Giêng đến mùng 2/2 Âm lịch tại thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa. Lễ hội bắt nguồn từ thời nhà Lý sau khi tướng quân Nùng Trí Cao đánh tan quân Tống xâm lược và tổ chức khao thưởng quân sỹ, nhân dân.
Lễ hội gắn liền với cầu mùa và các màn biểu diễn múa rồng đặc sắc. Gần đây, tỉnh tổ chức một số lễ hội đặc sắc, thu hút sự chú ý của du khách như Lễ hội Thác Bản Giốc, Lễ hội hoa lê, Lễ hội chọi bò, Lễ hội về nguồn Pác Bó.
Nhìn chung, các lễ hội Xuân ở Cao Bằng đều mang tính nhân văn sâu sắc, hướng tới cái thiện như cầu phúc, cầu mùa, mong muốn cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Các lễ hội thường không có quy mô lớn như ở miền xuôi nhưng vẫn mang những nét độc đáo và bản sắc riêng biệt của đồng bào vùng cao. Đa số các lễ hội gắn với tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa dân gian và nhiều nghi thức độc đáo, đặc sắc chứa đựng các giá trị văn hoá, lịch sử phong phú của các dân tộc trong tỉnh.
Một số lễ hội thường gắn với việc tưởng nhớ, tôn vinh các anh hùng dân tộc, nhân vật lịch sử có công chống giặc ngoại xâm, gìn giữ đất nước, điển hình như Lễ hội Đền Kỳ Sầm (thành phố Cao Bằng); lễ hội Đền Hoàng Lục (huyện Trùng Khánh).
Lễ hội Xuân ở Cao Bằng là nơi bảo tồn, giữ gìn những giá trị của văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Ở đó, những cuộc thi hát Then, điệu hát Sli, Lượn, Phong slư, Dá Hai, Hà Lều… với những giai điệu ngọt ngào, da diết cùng những trò chơi dân gian hấp dẫn là những tiềm năng du lịch văn hoá rất lớn của vùng đất Cao Bằng.
Thông qua các lễ hội, địa phương đã giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa, nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiện nay.
Hoạt động Lễ hội Xuân ở Cao Bằng được tổ chức gồm hai phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ thường được tổ chức từ đêm hôm trước; phần hội được tổ chức vào ngày hôm sau.
Các hoạt động diễn ra mang đậm nét văn hóa truyền thống của các dân tộc như: Tổ chức thi trưng bày gian hàng (các sản vật địa phương, các món ăn truyền thống...); biểu diễn văn nghệ, trình diễn trang phục dân tộc; thi đấu thể thao truyền thống (bắn nỏ, ném còn, đẩy gậy, đi cà kheo, đánh sảng, kéo co, lày cỏ, cờ tướng) và trò chơi dân gian (đánh quay, đánh đu, bịt mắt bắt vịt...) diễn ra với không khí sôi nổi, qua đó thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Theo ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng, công tác tổ chức lễ hội Xuân 2024 có nhiều điểm mới so với mọi năm. Quy mô các lễ hội lớn hơn, các hoạt động tại lễ hội được tổ chức đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc gắn với các giá trị văn hóa truyền thống.
Nhằm định hướng cho các địa phương thực hiện tốt việc tổ chức các lễ hội, ngay từ đầu năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 20/UBND-VX ngày 5/1/2024 về việc tăng cường quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân Giáp Thìn 2024.
Cao Bằng bảo tồn và phát huy nhiều làng nghề truyền thống
Việc công nhận các làng nghề truyền thống tại Cao Bằng đã góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.
Sở ban hành văn bản chỉ đạo Phòng Văn hóa-Thông tin các huyện, thành phố rà soát, thống kê, tổng hợp, xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động lễ hội đảm bảo việc kiểm tra, quản lý được thống nhất, việc cấp phép triển khai tổ chức lễ hội thực hiện đúng theo các quy định hiện hành; ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân, chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức Lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Thanh tra Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch phối hợp với Đội kiểm tra liên ngành thành lập Đoàn kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các sai phạm để công tác tổ chức lễ hội được diễn ra an toàn, tiết kiệm, văn minh, góp phần quảng bá hình ảnh, nét đẹp văn hóa của người và đất Cao Bằng đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế./.