Cạnh tranh thị trường khí đốt ở châu Á-Thái Bình Dương 'nóng' lên

Theo báo cáo của Liên minh Khí đốt Thế giới (IGU), thị trường châu Á-Thái Bình Dương là điểm đến của gần 70% giao dịch khí đốt tự nhiên hóa lỏng toàn cầu trong năm 2018.
Cạnh tranh thị trường khí đốt ở châu Á-Thái Bình Dương 'nóng' lên ảnh 1Hệ thống đường ống dẫn khí đốt qua biển Baltic tại Lubmin, Đức. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo trang mang eastasiaforum, năm 2011, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã dự đoán một “thời đại hoàng kim” của khí đốt, trong đó khí đốt tự nhiên sẽ là “nhiên liệu cầu nối” giữa than đá và năng lượng tái tạo trong hai thập kỷ tới.

Tuy nhiên, nhu cầu về khí đốt tự nhiên suy giảm ở châu Á năm 2013-2015 đã buộc IEA tháng 6/2015 rút lại dự đoán lạc quan trước đó và đưa ra kết luận: “Trong một thế giới than đá rất rẻ và chi phí năng lượng tái tạo giảm, rất khó để khí đốt có thể cạnh tranh.”

Mặc dù vậy, nhu cầu về khí đốt tự nhiên ở Đông Á vẫn tăng đáng kể sau năm 2015, đặc biệt là ở Hàn Quốc và Trung Quốc.

Tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in cam kết sẽ thay thế sản xuất điện than và hạt nhân bằng khí đốt và năng lượng tái tạo trong chiến dịch tranh cử năm 2017. Ở Trung Quốc, giới lãnh đạo nước này năm 2013 đã đánh giá cao việc bảo vệ môi trường sinh thái, được thể hiện qua khẩu hiệu của Chủ tịch Tập Cận Bình: “Vùng nước trong xanh và những ngọn núi tươi tốt là tài sản vô giá.”

Đặc biệt, Trung Quốc đang trên đường trở thành nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới.

Bất chấp những thách thức, Trung Quốc đã mở rộng các dự án khí đốt và điện, không dùng than đá, ở 35 thành phố trong năm 2018 (từ 12 thành phố so với một năm trước đó) để cải thiện chất lượng không khí. Những dự án này duy trì tăng trưởng cao trong nhu cầu khí đốt tự nhiên.

Tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng hai con số hàng năm kể từ năm 2000, ngoại trừ năm 2013-2015. Nhu cầu gia tăng đã đẩy Trung Quốc vượt Hàn Quốc trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn thứ hai thế giới năm 2017 và Nhật Bản là nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất năm 2018.

[Lượng khí hóa lỏng giao dịch trên toàn cầu sẽ tăng 11% năm 2019]

Theo báo cáo của Liên minh Khí đốt Thế giới (IGU), thị trường châu Á-Thái Bình Dương là điểm đến của gần 70% giao dịch LNG toàn cầu trong năm 2018. Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm gần 80% mức tăng thương mại LNG toàn cầu năm 2018.

Tháng 1/2019, Trung Quốc đã công bố kế hoạch tăng gấp bốn lần công suất LNG trong hai thập kỷ tới, với tham vọng sẽ có 34 nhà ga ven biển với công suất nhập khẩu hàng năm là 247 triệu tấn vào năm 2035, trong khi tổng thương mại LNG toàn cầu năm 2017 chỉ đạt 289 triệu tấn.

Châu Á-Thái Bình Dương cũng có một số nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới: Australia, Malaysia, Mỹ và Indonesia (lần lượt là các nhà xuất khẩu lớn thứ hai, thứ ba, thứ tư và thứ bảy của thế giới trong năm 2018).

Năm 2018, Australia chiếm 22% nguồn cung LNG toàn cầu (68,6 triệu tấn), chỉ sau 25% của Qatar (78,7 triệu tấn). IGU đã suy đoán chính xác rằng Australia sẽ chiếm vị trí hàng đầu vào giữa năm 2019, khi hai dự án hóa lỏng dự kiến sẽ đi vào hoạt động thương mại đầy đủ.

Nhìn chung người ta đồng ý rằng Australia sẽ chỉ giữ “vương miện này” trong một vài năm trước khi Qatar giành lại nó. Về lâu dài, Mỹ hoặc Qatar sẽ đảm nhận vị trí nhà xuất khẩu hàng đầu trong khi Australia sẽ ở vị trí thứ ba.

Tiềm năng trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới của Mỹ cho thấy Trung Quốc cuối cùng sẽ mua LNG của Mỹ nếu hai nước có thể đạt được thỏa thuận để kết thúc cuộc chiến thương mại - điều không chắc chắn duy nhất là mua bao nhiêu và khi nào.

Trong khi phần lớn xuất khẩu LNG hiện tại của Australia (82% trong năm 2017) có khả năng được bảo vệ bởi các hợp đồng dài hạn trong thập kỷ tới, xuất khẩu của quốc gia này trên thị trường giao ngay dễ bị tổn thương do thiếu khả năng cạnh tranh về chi phí.

Thương mại LNG gia tăng của Mỹ cũng sẽ làm giảm triển vọng của Australia trong việc giành được một phần nhập khẩu khí đốt ngày càng tăng của Trung Quốc.

LNG của Mỹ, được định giá thông qua một cơ chế định giá thay thế, cũng có thể tạo điều kiện cho sự thay đổi trong các cơ chế định giá LNG rộng hơn mà có thể dẫn đến sự kết thúc sớm các hợp đồng dài hạn của Australia.

Không còn nghi ngờ gì nữa, châu Á-Thái Bình Dương sẽ là trung tâm của lực hấp dẫn trong thị trường khí đốt và LNG trong tương lai.

Trong khi các nước châu Á-Thái Bình Dương là những người đóng vai trò chính, lối vào của nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới - Nga - vào thị trường khí đốt phía Đông Trung Quốc làm tăng thêm sức cạnh tranh.

Đường ống “Sức mạnh Siberia” sẽ bơm 380 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên (tương đương 28 triệu tấn LNG) vào khu vực này khi nó bắt đầu hoạt động từ tháng 9 này.

Một số người coi thỏa thuận đường ống này là sự thay đổi địa chính trị năng lượng, đây không phải là tin tốt cho các nhà xuất khẩu LNG khác.

Thị trường khí đốt tự nhiên đang thay đổi để đáp ứng các cơ hội mới ở châu Á-Thái Bình Dương và trên toàn cầu. Tuy nhiên, về lâu dài, khí tự nhiên - cùng với các nhiên liệu hóa thạch khác - sẽ hoàn thành vai trò lịch sử của chúng là nhiên liệu năng lượng khi năng lượng tái tạo chiếm lĩnh việc cung cấp năng lượng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục