Theo ông Chris Miller, tác giả cuốn sách có nhan đề “Cuộc chiến chip” và là nhà nghiên cứu ở Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), việc Mỹ ban hành một loạt hạn chế xuất khẩu mới nhằm hạn chế sự phát triển của ngành bán dẫn Trung Quốc sẽ khiến các công ty trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu đẩy nhanh lộ trình phân tán cơ sở sản xuất để tránh rủi ro.
Khi hãng chế tạo linh kiện điện tử và máy tính đa quốc gia Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc) quyết định xây dựng nhà máy sản xuất màn hình mới ở bang Wisconsin (Mỹ) vào năm 2018, nhiều nhà phân tích và lãnh đạo ngành công nghệ chip đã đánh giá đây là một ví dụ điển hình về lý do tại sao các chính trị gia không nên can thiệp vào chuỗi cung ứng
Mặc dù được kỳ vọng rằng “siêu nhà máy” của Foxconn sẽ mang lại việc làm cho khu vực, người dân Wisconsin sớm biết rằng công ty Foxconn chỉ đầu tư vì được hứa trợ cấp hàng tỷ USD với các quy tắc về môi trường được nói lỏng. Nhưng Foxconn giảm mạnh vốn đầu tư cho nhà máy từ 10 tỷ USD xuống còn chưa đến 1 tỷ USD vài năm sau đó.
Năm năm trôi qua kể từ sự kiện đó, căng thẳng Mỹ-Trung trên mặt trận công nghệ ngày càng gia tăng và đã dần tái định hình chuỗi cung ứng bán dẫn.
Nhà máy của Foxconn ở Wisconsin nhỏ hơn nhiều so với hứa hẹn ban đầu, nhưng tập đoàn sản xuất chip TSMC của Đài Loan sẽ sớm khai trương một nhà máy mới ở bang Arizona (Mỹ).
Hầu như tất cả các khoản đầu tư trước đây của TSMC đều là ở Đài Loan hoặc Trung Quốc Đại lục, nhưng hiện nay, công ty đang đa dạng hóa cơ sở sản xuất với việc xây dựng mộ t nhà máy sản xuất chip mới ở Nhật Bản và xem xét thiết lập một nhà máy ở Singapore.
Căng thẳng Mỹ-Trung trong lĩnh vực sản xuất chip đã nóng lên gần đây, với Chính quyền Mỹ ngày 7/10 công bố các quy định kiểm soát xuất khẩu mới nhằm hạn chế sự tiếp cận của Trung Quốc đối với phần mềm và thiết bị sản xuất chip của Mỹ. Các quy định này áp dụng cho các các công ty nước ngoài đang sử dụng công nghệ và máy móc của Mỹ để sản xuất chip.
Một số công ty chip nước ngoài có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc đang phải “đau đầu” vì những hạn chế mới này. Nhà sản xuất chip Hàn Quốc SK Hynix đã bị hạn chế khả năng nâng cấp thiết bị in thạch bản quan trọng cho nhà máy của công ty này ở thành phố Vô Tích của Trung Quốc. Điều này sẽ khiến SK Hynix không thể sản xuất chip thế hệ mới ở đó.
[Bộ Thương mại Mỹ siết chặt xuất khẩu chip bán dẫn sang Trung Quốc]
Bên cạnh yếu tố Mỹ-Trung, các chính sách trợ cấp của các quốc gia cũng đang thay đổi cơ cấu của ngành chip. Gần đây, Mỹ đã ban hành Đạo luật Khoa học và CHIPS, dự chi hơn 50 tỷ USD trợ cấp và ưu đãi thuế nhằm khuyến khích hoạt động sản xuất chip ở trong nước. Đạo luật này đã thúc đẩy TSMC và nhà sản xuất chip Hàn Quốc Samsung xây dựng các nhà máy mới ở bang Arizona và bang Texas.
Châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ cũng đang đưa ra chính sách trợ cấp chip và khi địa điểm sản xuất chip thay đổi, chuỗi cung ứng vật liệu và vật tư cho các sản phẩm chip buộc cũng thay đổi theo.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là nước có chương trình trợ cấp dành cho lĩnh vực bán dẫn lớn nhất thế giới. Một loạt cơ sở mới sản xuất chip sử dụng công nghệ cấp thấp sắp đi vào hoạt động ở Trung Quốc. Điều này có thể làm giảm giá chip trong phân khúc này đồng thời châm ngòi cho các cáo buộc bán phá giá và tranh chấp thương mại.
Các khoản trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc dành cho công ty sản xuất chip Nand Yangtze Memory Technologies Corporation (YMTC) dường như đã có hiệu quả.
Hãng công nghệ Apple đang xem xét sử dụng chip nhớ 3D Nand của YMTC cho dòng điện thoại iPhone 14. Trước đây loại chip này được Apple mua từ các công ty Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc Mỹ.
Sự cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc trong ngành bán dẫn cũng đang thúc đẩy sự đa dạng hóa trong chuỗi cung ứng. Cụ thể, Apple đang tăng cường lắp ráp thiết bị ở Việt Nam và Ấn Độ.
Công ty này có thể sử dụng các thành phần linh kiện để lắp ráp cho iPhone dành cho khách hàng Trung Quốc khác với iPhone bán ở các thị trường khác. Apple đã giải thích với các nhà lập pháp Mỹ rằng công ty sẽ chỉ sử dụng chip nhớ của YMTC cho iPhone bán ở Trung Quốc
Việc Apple dường như có ý định vận hành hai chuỗi cung ứng riêng biệt, một ở Trung Quốc và một bên ngoài Trung Quốc, có thể xem là định nghĩa của sự “tách rời công nghệ” giữa Mỹ và Trung Quốc./.