Tờ StraitsTimes ngày 9/8 đã đăng bài bình luận của tác giả Goh Sui Noi về cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc, trong đó cho rằng các cuộc đối thoại gay gắt có thể sẽ là bước khởi đầu cho một mối quan hệ song phương ổn định hơn giữa hai cường quốc.
Theo bài viết, hơn 6 tháng kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chưa có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Các quan chức ngoại giao cấp cao của hai bên đã gặp gỡ nhau hai lần, tại Anchorage, Alaska (vào tháng 3/2021) và tại thành phố cảng Thiên Tân (Trung Quốc) vào tháng trước và các cuộc đối thoại được cho là đã diễn ra rất căng thẳng, khó khăn.
[Trọng tâm của cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ: Phục hồi hay tăng trưởng?]
Cuộc gặp đầu tiên tại Anchorage chứng kiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan "đấu khẩu" với nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị ngay trong bài phát biểu khai mạc trước truyền thông.
Trong cuộc gặp thứ hai tại Thiên Tân, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã yêu cầu Mỹ ngừng chỉ trích hệ thống chính trị của Trung Quốc và dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt và thuế quan.
Điều chỉnh trong cách tiếp cận Trung Quốc
Những gì hiện lên rõ ràng nhất trong hai cuộc gặp gỡ nói trên là việc Trung Quốc đã điều chỉnh, thay đổi trong cách tiếp cận ngoại giao đối với Mỹ.
Tại cuộc gặp tháng Bảy vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong đã nêu ra với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman những yêu cầu của phía Trung Quốc trong hai danh sách. Một danh sách đòi hỏi Mỹ chấm dứt việc các hạn chế cấp thị thực đối với các thành viên đảng Cộng sản Trung Quốc và sinh viên Trung Quốc, và các tiến trình dẫn độ đối với Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Châu.
Học giả Trung Quốc Wu Xinbo tại Đại học Fudan cho rằng các yêu cầu nói trên cho thấy Trung Quốc đang trở nên chủ động hơn trong cách thức đối phó với phía Mỹ.
Trong quá khứ, Mỹ mới là bên đưa ra những danh sách đòi hỏi như vậy cho phía Trung Quốc.
Với việc là người đưa ra các yêu cầu trước, theo ông Wu, các quan chức phía Trung Quốc đã thể hiện một "điều bình thường mới" trong ngoại giao.
Điều này diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang chuyển từ chính sách can dự với Trung Quốc sang một chính sách có sự tập trung hơn vào vấn đề cạnh tranh.
Điều này nhằm đáp trả một Trung Quốc đang trỗi dậy không chỉ bắt kịp Mỹ về kinh tế, công nghệ và quân sự mà còn gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu. Cũng đã có sự thất vọng rằng chính sách can dự của Mỹ đã thất bại trong việc biến Trung Quốc trở thành một nước giống phương Tây hơn.
Tiếng nói mạnh mẽ hơn để phù hợp với sức mạnh toàn cầu
Trong cuộc phỏng với với Đài phát thanh Công cộng Quốc gia Mỹ (NPR) sau chuyến thăm Trung Quốc, bà Sherman đã mô tả cuộc đối thoại là "khó khăn."
Những quan chức ngoại giao Trung Quốc trước đây thường tỏ ra dè dặt thì nay đã trở nên "khá quyết liệt."
Bà Sherman cho hay Trung Quốc cảm thấy họ là một quốc gia rất tự tin và mạnh mẽ, và thực sự đang đi theo con đường riêng của mình về nhiều mặt. Họ cảm thấy rằng Mỹ đang trong thời kỳ đi xuống và họ thì đang đi lên.
Trong khi đó, theo Giáo sư Yan Xuetong của Đại học Thanh Hoa, có một sự thay đổi mô hình đang diễn ra ở Bắc Kinh.
Trên tạp chí Foreign Affairs gần đây, ông Yan Xuetong đã viết rằng Trung Quốc tin rằng việc vươn lên vị thế cường quốc cho phép nước này có một vai trò mới trong các vấn đề thế giới, một vai trò "không thể dung hòa được" với sự "thống trị không thể nghi ngờ" của Mỹ.
Vì thế, Trung Quốc sẽ thể hiện tiếng nói của mình với quyết tâm cao hơn trước và sẽ mạnh mẽ đẩy lùi bất kỳ nỗ lực nào nhằm kiềm chế nước này.
Theo ông Yan, trong con mắt của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, nước này đã trải qua "giai đoạn đứng lên và làm giàu," và hiện đang tiến tới giai đoạn trở nên "hùng mạnh."
"Trật tự đơn cực do Mỹ lãnh đạo đang mất dần đi" và điều này diễn ra nhanh chóng là do sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự suy giảm tương đối của Mỹ. Theo thế trật tự đơn cực đó sẽ là một trật tự đa cực, với quan hệ Mỹ-Trung Quốc là "cốt lõi."
Nói tóm lại, Trung Quốc hiện là một cường quốc toàn cầu và trong một số lĩnh vực, sự cạnh tranh với Mỹ sẽ là không tránh khỏi.
Một số trong những lĩnh vực cạnh tranh đó là ganh đua về ý thức hệ, ở đó Trung Quốc sẽ tìm cách "tái lập" lại môi trường, chống lại quan điểm cho rằng các giá trị chính trị của phương Tây là có sự "hấp dẫn và sự đúng đắn toàn cầu."
Về ngoại giao, Trung Quốc đang đẩy mạnh mạng lưới đa phương mạnh mẽ hơn thông qua các diễn dàn hợp tác với châu Phi, các nước Arab, Mỹ Latinh, Đông Nam Á và các quốc gia đảo Thái Bình Dương.
Về kinh tế, Bắc Kinh cũng đang điều chỉnh các chính sách trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 và đối phó với những nỗ lực của Mỹ trong việc "tách rời kinh tế."
Cạnh tranh và cùng tồn tại
Trong khi đó, ở nước Mỹ vẫn có sự tiếp tục của cách tiếp cận đối đầu dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump và chỉ ra rằng Mỹ đang nỗ lực thành lập các liên minh "dựa trên vấn đề" chống lại Trung Quốc về khía cạnh công nghệ và nhân quyền.
Về phần mình, chính quyền Tổng thống Biden nhìn nhận rằng Mỹ đang bước vào thời kỳ cạnh tranh căng thẳng với Trung Quốc.
"Thời kỳ can dự đã chấm dứt," ông Kurt Campbell, điều phối viên Nhà Trắng về các vấn đề Ấn Độ-Thái Bình Dương, đã khẳng định như vậy vào tháng 5/2021.
Theo ông Campbell, mô hình chủ đạo trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc "sẽ là sự cạnh tranh."
Quan chức này cho rằng cách tốt nhất để Mỹ can dự với một Trung Quốc đang quyết đoán hơn chính là việc phối hợp, làm việc với các đồng minh, các đối tác và bạn bè của Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh NPR, bà Sherman cho biết ông Biden và ông Blinken đã khẳng định rất rõ ràng rằng Mỹ muốn tăng cường mối quan hệ với các đồng minh và đối tác, nhưng đó không nhất thiết phải "quá giống như là một liên minh chống Trung Quốc"./.