Cạnh tranh Mỹ-Trung trong trí tuệ nhân tạo: Những khoảng cách lớn

So với Mỹ, về cơ bản sức cạnh tranh trên lĩnh vực AI của Trung Quốc vẫn có khoảng cách tương đối lớn, đặc biệt là việc thiếu năng lực cạnh tranh về phương diện nghiên cứu cơ bản và phần cứng.
(Nguồn: bloomberg.com)

Theo báo Liên hợp buổi sáng, so với Mỹ, về cơ bản sức cạnh tranh trên lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc vẫn có khoảng cách tương đối lớn, đặc biệt là việc thiếu năng lực cạnh tranh về phương diện nghiên cứu cơ bản và phần cứng.

Đầu tháng 10/2021, bài phát biểu của Giám đốc phần mềm đầu tiên của không quân Mỹ Nicolas Chaillan về cạnh tranh trên lĩnh vực công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã khơi dậy sự chú ý và thảo luận của nhiều người.

Khi trả lời phỏng vấn tờ Financial Times của Anh, ông Chaillan nhấn mạnh Trung Quốc đã đi trước Mỹ về công nghệ AI, học máy (machine learning) và điện toán lưới (grid computing), đồng thời đang hướng đến địa vị thống trị toàn cầu. Ông Chaillan phát biểu rằng, trong tương lai 15-20 năm tới, Mỹ không có đủ năng lực cạnh tranh để đương đầu với Trung Quốc và Mỹ đã thua Trung Quốc trong cuộc đua trên lĩnh vực AI này.

Rốt cuộc những điều ông Chaillan có phải là một thực tế khách quan, hay chỉ là mượn cơ hội để gây sức ép lên Chính phủ Mỹ, từ đó tranh thủ được thêm nguồn lực hơn cho Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm phát triển công nghệ AI? Bài viết sẽ phân tích hiện trạng cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trên lĩnh vực AI từ 5 góc độ, bao gồm nghiên cứu cơ bản, ứng dụng doanh nghiệp, phần mềm, phần cứng và nhân tài.

Nghiên cứu cơ bản AI

Nghiên cứu cơ bản của AI bao gồm nghiên cứu lý thuyết cơ bản và thuật toán. Về mặt truyền thống, những hoạt động nghiên cứu cơ bản này chủ yếu do các cơ quan nghiên cứu của trường đại học, chính phủ và doanh nghiệp lớn phụ trách. Nghiên cứu cơ bản đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của AI, quyết định trình độ ứng dụng AI có thể đạt được.

Theo số liệu thống kê mới nhất, xét về tổng số luận văn khoa học trên lĩnh vực AI, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ. Trong giai đoạn 2012-2021, các nhà khoa học Trung Quốc đã hoàn thành 240.000 luận văn, trong khi con số này của các nhà khoa học Mỹ là 150.000 luận văn. Một nghiên cứu của Đại học Stanford năm 2021 cũng cho thấy các luận văn của Trung Quốc về khía cạnh AI chiếm 20,7% trích dẫn của các tạp chí trong năm 2020, trong khi của Mỹ chiếm 19,8%.

[Đầu tư công nghệ song phương Mỹ-Trung giảm 96% do căng thẳng chính trị]

Những năm gần đây, mức độ tham gia vào những hội nghị chuyên ngành quốc tế của các nhân viên nghiên cứu AI Trung Quốc cũng tăng lên đáng kể. Chẳng hạn, trong số các luận văn được hội nghị AI trích dẫn giai đoạn 2010-2020, tỷ lệ luận văn của các nhân viên nghiên cứu Trung Quốc đã tăng từ 8% lên 11,8%.

Không thể phủ nhận, trong hơn 10 năm qua, đầu tư của Trung Quốc đối với lĩnh vực nghiên cứu cơ bản AI đã đạt được bước tiến dài. Tuy nhiên, trong lĩnh vực AI, rất nhiều cống hiến về nghiên cứu lý thuyết cơ bản và thuật toán mang tính cột mốc, chẳng hạn như mạng thần kinh nhân tạo/mạng nơron nhân tạo (neural network)… đều thuộc về các nhà khoa học Mỹ.

Tóm lại, hiện nay Mỹ vẫn đang ở vị trí thống trị toàn cầu về lĩnh vực nghiên cứu cơ bản AI, trong khi đóng góp của Trung Quốc về lĩnh vực nghiên cứu cơ bản AI đến nay vẫn không nhiều, chủ yếu ở vị thế của người đuổi theo và học tập.

Ứng dụng AI

Các nhân tố then chốt của ứng dụng ngành AI bao gồm kịch bản ứng dụng, chính sách của chính phủ, dữ liệu và khách hàng. Do Trung Quốc có thị trường khổng lồ, cũng như chính sách của chính phủ rất ủng hộ đối với ngành AI, sự nhiệt tình của các doanh nghiệp công nghệ mới nổi của Trung Quốc như Tencent, Bytedance, Alibaba… rất cao, tích cực khám phá các kịch bản ứng dụng AI mới, có năng lực sáng tạo ứng dụng rất tốt.

Mặt khác, do chính phủ và người dân Trung Quốc ban đầu không có những biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân nghiêm ngặt như Mỹ và châu Âu, nên các doanh nghiệp AI của Trung Quốc luôn có thể sử dụng mức giá tương đối thấp để có được một khối lượng lớn dữ liệu phục vụ cho việc đào tạo, huấn luyện mô hình AI.

Những nhân tố này giúp Trung Quốc đi đầu thế giới trên lĩnh vực ứng dụng ngành công nghệ nhân tạo, chẳng hạn ở Trung Quốc, về cơ bản tất cả các sân bay đều đã ứng dụng thiết bị nhận dạng khuôn mặt, cung cấp trải nghiệm sân bay nhanh hơn và tốt hơn.

Một khách hàng dùng thử công nghệ nhận dạng khuôn mặt 3D tại tỉnh Chiết Giang. (Nguồn: chinadaily.com.cn)

Đương nhiên, Mỹ cũng có năng lực cạnh tranh rất mạnh trên rất nhiều lĩnh vực ứng dụng AI, đặc biệt là ở một số kịch bản ứng dụng quan trọng có tính thách thức cao, chẳng hạn Mỹ đang ở vị trí dẫn đầu về xe tự lái. Nhìn chung, trong lĩnh vực ứng dụng của ngành AI, Mỹ và Trung Quốc đều có giá trị riêng, đều ở vị trí dẫn đầu thế giới.

Phần mềm AI

Trong lĩnh vực phần mềm AI, điều quan trọng nhất là nghiên cứu và phát triển (R&D) cấu trúc cơ bản phần mềm. Hiện nay, phần lớn ứng dụng phần mềm AI đều là các ứng dụng phát triển thứ cấp dựa trên nền tảng cấu trúc cơ bản phần mềm mã nguồn mở. Hơn nữa, những cấu trúc cơ bản phần mềm mã nguồn mở thịnh hành nhất trên lĩnh vực AI hiện nay, chẳng hạn như Tensorflow, CNTK, Caffe… đều do các tổ chức của Mỹ dẫn dắt và phát triển.

Mặc dù một số doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc như Baidu, Huawei… cũng đã lần lượt đưa ra các cấu trúc cơ bản phần mềm mã nguồn mở AI của riêng mình trong những năm gần đây, chẳng hạn như PaddlePaddle, MindSpore… Tuy nhiên, mức độ phổ biến và thị phần của AI vẫn còn tương đối thấp.

Theo thống kê, hơn 93% cấu trúc phần mềm mã nguồn mở AI mà nhân viên nghiên cứu Trung Quốc sử dụng đều là sản phẩm do các tổ chức của Mỹ phát triển và cung cấp. Tóm lại, Mỹ đứng ở vị trí dẫn đầu trên lĩnh vực phần mềm AI, và Trung Quốc cũng phát triển rất nhanh trên lĩnh vực này.

Phần cứng AI

Về khía cạnh phần cứng then chốt của AI, các chip thông minh thường sử dụng hiện nay bao gồm: Bộ xử lý đồ họa (GPU) được ứng dụng rộng rãi trong việc huấn luyện và suy luận mạng thần kinh nhân tạo; các chip AI tùy chỉnh như đơn vị xử lý tensor (TPU), sử dụng cấu trúc chuyên dụng để đạt được hiệu quả cao hơn so với bộ xử lý trung tâm (CPU) và GPU trong cùng thời gian; vi mạch dùng cấu trúc mảng phần tử logic (FPGA) có các đặc điểm hỗ trợ song song quy mô lớn, độ trễ suy luận thấp, có thể thay đổi độ chính xác… Một số chip AI chuyên dụng kiểu mới, chủ yếu bao gồm chip hình thái học thần kinh, chip xử lý trong bộ nhớ (PIM)…

Phần cứng AI rất phụ thuộc vào ngành bán dẫn. Hiện nay, Mỹ đang chiếm vị trí dẫn đầu về phương diện thiết kế phần lõi và công nghệ sản xuất rất nhiều loại chip bán dẫn. Những năm gần đây, năng lực nghiên cứu và phát triển phần cứng AI của Trung Quốc phát triển rất nhanh.

Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, về phương diện thiết kế phần lõi và sản xuất chip bán dẫn của Trung Quốc, đặc biệt là trên các lĩnh vực tự động hóa thiết kế điện tử (EDA-Electronic Design Automation) và quyền sở hữu trí tuệ lõi (Core IP), thiết bị sản xuất bán dẫn then chốt (SME-Semiconductor Manufacturing Equipment), Trung Quốc vẫn rất yếu, phụ thuộc lớn vào Mỹ, Nhật Bản và các nước phương Tây khác. Có thể nói, lĩnh vực phần cứng AI là một trong những nút thắt cổ chai nghiêm trọng trong phát triển AI của Trung Quốc.

Nhân tài AI

Nhân tài là một trong những nhân tố then chốt của cạnh tranh AI. Năm 2019, Element.AI thông qua việc phân tích 36.524 nhân tài AI trong kho dữ liệu LinkedIn, công bố số liệu “Báo cáo nhân tài AI toàn cầu.”

Theo thống kê phân tích, Mỹ có sức hấp dẫn rất lớn đối với nhân tài AI toàn cầu, thu hút khoảng 46% công việc của các nhân viên nghiên cứu AI trên thế giới, gấp hơn 4 lần so với tỷ lệ 11% trong việc thu hút nhân viên nghiên cứu AI của Trung Quốc.

Nguyên nhân chủ yếu do môi trường nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực nhân tài của Trung Quốc được xây dựng tương đối muộn, hơn nữa một số lượng lớn tài năng trẻ tuổi của Trung Quốc sau khi tốt nghiệp ngành này có thói quen ra nước ngoài, đặc biệt là Mỹ để thực hiện nghiên cứu sinh. Kết quả nghiên cứu của Viện Paulson cho thấy 29% nhân viên cứu AI của Mỹ có bằng đại học ở Trung Quốc, nhưng sau khi hoàn thành nghiên cứu sinh ở Mỹ, hầu hết họ ở lại Mỹ để làm việc (56%).

Từ đó có thể thấy rằng ở mức độ rất lớn, ưu thế nhân tài AI của Mỹ là hưởng lợi từ sức hấp dẫn và thu hút nhân tài quốc tế. Tuy nhiên, xét ở một góc độ khác có thể thấy rằng lĩnh vực AI của Mỹ có tính phụ thuộc nhất định đối với các sinh viên và nhân viên nghiên cứu nước ngoài.

Những năm gần đây, dưới sự hỗ trợ chính sách của Chính phủ Trung Quốc và sự tăng cường cạnh tranh của các tổ chức trong và ngoài Trung Quốc, tỷ lệ nhân tài trở về nước của ngành AI Trung Quốc liên tục tăng lên, điều này rất quan trọng đối với năng lực cạnh tranh dài hạn của Trung Quốc trên lĩnh vực AI.

Tóm lại, mặc dù lĩnh vực AI của Trung Quốc phát triển nhanh trong hơn 10 năm qua, một số lĩnh vực đã đạt đến trình độ đứng đầu thế giới, chẳng hạn như ứng dụng AI. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh tổng thể của Trung Quốc trên lĩnh vực AI vẫn còn khoảng cách khá lớn so với Mỹ, đặc biệt việc thiếu năng lực cạnh tranh về phương diện nghiên cứu cơ bản và phần cứng AI có thể nói là nút thắt cổ chai nghiêm trọng hạn chế sự phát triển AI của Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục