Cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc: Bài học rút ra từ BRI

Theo báo cáo Lực lượng Đặc biệt của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) gần đây, để đối phó hiệu quả với BRI, Mỹ trước hết phải đảm bảo tính cạnh tranh hơn nữa với Trung Quốc.
Cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc: Bài học rút ra từ BRI ảnh 1Hội nghị bàn tròn các nhà lãnh đạo tại Diễn đàn BRI lần 2 (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Theo trang mạng cfr.com, sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) - một chương trình đầu tư quy mô toàn cầu do Trung Quốc khởi xướng, đang gây ra những mối nguy hại đối với lợi ích kinh tế và an ninh của Mỹ.

Như đã được chỉ rõ trong Báo cáo Lực lượng Đặc biệt của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) gần đây, để đối phó hiệu quả với BRI, Mỹ trước hết phải đảm bảo tính cạnh tranh hơn nữa với Trung Quốc.

Nhiều lợi thế mà Mỹ có từ lâu đang bắt đầu suy giảm, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI). Trong một số lĩnh vực, như đường sắt cao tốc và 5G, Mỹ đã bị Trung Quốc vượt mặt.

Để chống lại BRI, Mỹ phải đem đến cho các đối tác của mình một giải pháp thay thế đủ sức thuyết phục trước các sản phẩm, công nghệ và đầu tư từ Trung Quốc.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Mỹ nên cùng với các đối tác theo đuổi một sáng kiến cơ sở hạ tầng quy mô lớn để cạnh tranh với BRI. Tuy nhiên, để một sáng kiến như vậy thành công, Mỹ sẽ phải thực hiện các bước đi quyết đoán để tái thiết khả năng cạnh tranh của chính mình.

Nỗ lực đó nên bắt đầu tại chính nước Mỹ và tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng, cụ thể: 1/ Nghiên cứu và phát triển; 2/ Nhập cư; và 3/ Công nghệ và các tiêu chuẩn về công nghệ.

[Trở ngại trong triển khai sáng kiến Vành đai và Con đường tại Trung Á]

Những nỗ lực này sau đó phải góp phần củng cố năng lực cạnh tranh của Mỹ thông qua các hoạt động ở nước ngoài, nhất là với việc tăng cường ngoại giao thương mại và một chương trình nghị sự đầy nhiệt huyết.

Để giữ lợi thế trong việc tạo ra các công nghệ hàng đầu thế giới, Mỹ phải giải quyết tình trạng trì trệ trong đầu tư liên bang và các chính sách hỗ trợ nghiên cứu-phát triển (R&D).

Mức chi tiêu liên bang cho R&D hiện ở mức thấp nhất trong khoảng 60 năm trở lại đây. Trong khi đó, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng kinh phí R&D lên 7% mỗi năm trong 5 năm tới, dù trên thực tế nguồn đầu tư này đang ở mức khá cao.

Để cạnh tranh hiệu quả, chính phủ liên bang cần tăng kinh phí lên mức trung bình tương đương 1,1% Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP), nếu không muốn nói là nhiều hơn.

Phần lớn nguồn quỹ này phải đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như AI, điện toán lượng tử, bộ lưu trữ năng lượng tiên tiến và viễn thông thế hệ tiếp theo. Trong những lĩnh vực tiên tiến này, đầu tư công đóng một vai trò quan trọng bởi tài chính có thể được dùng để phát triển các dự án dài hạn hoặc rủi ro cao, cũng như những nghiên cứu cơ bản, vốn không hấp dẫn đối với khu vực tư nhân.

Hiệu quả của các khoản đầu tư công luôn đóng vai trò động lực cho các cách tân trong khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, để nâng cao đổi mới và sáng tạo, người ta cần các khoản đầu tư nền tảng vào khoa học cơ bản, công nghệ, kỹ thuật và toán học tư duy (STEM). Tăng cường đầu tư vào giáo dục STEM ở tất cả các cấp, từ mẫu giáo đến sau đại học, sẽ là điều cần thiết để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Mỹ.

Tuần này, trong khuôn khổ Kế hoạch Việc làm của Mỹ, Tổng thống Biden đã đề xuất bổ sung 180 tỷ USD chi cho nghiên cứu liên bang cùng các khoản đầu tư vào các ngành công nghiệp quan trọng khác.

Dự luật cũng bao gồm các khoản đầu tư lớn cho các chương trình giáo dục và tái đào tạo. Nếu được thông qua, khoản chi này có thể sẽ giúp Mỹ có thể tìm ra một giải pháp thay thế nhằm cạnh tranh với BRI.

Cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc cũng sẽ đòi hỏi Mỹ phải cải cách hệ thống nhập cư để thu hút nhân tài toàn cầu. Có một rủi ro là sinh viên học tập trong các lĩnh vực quan trọng như AI có thể chọn hồi hương nếu Mỹ không thực hiện các cải cách cần thiết để tiếp tục nguồn nhân lực này, kéo theo nguy cơ hạn chế việc tuyển dụng nhân tài của các doanh nghiệp Mỹ.

Chính quyền Biden có thể tính đến việc cấp thẻ xanh cho những người có bằng sau đại học, nâng giới hạn thị thực H-1B và xây dựng cơ chế thị thực dành riêng cho những người làm việc trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng.

Dự luật nhập cư của chính quyền Biden là một bước quan trọng theo hướng này, với việc loại bỏ các giới hạn về thẻ xanh đối với những người có bằng tiến sỹ trong lĩnh vực STEM. Nếu không thể thực hiện các chính sách cho phép thu hút nguồn nhân tài này, Mỹ có thể phải vật lộn để theo kịp Trung Quốc.

Theo báo cáo gần đây của Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ Nhân tạo, “cải cách nhập cư là một đòi hỏi an ninh quốc gia cấp thiết.”

Mỹ cần đặc biệt quan tâm đến các sinh viên người Trung Quốc, chiếm khoảng 30% số sinh viên nước ngoài tại Mỹ. Dù có những lo ngại thực sự về an ninh liên quan đến một số sinh viên Trung Quốc, song việc siết chặt quá mức chính sách an ninh có thể sẽ làm nản lòng những người có ý định dùng tài năng để cống hiến cho nước Mỹ.

Đại dịch COVID-19 đã buộc Trung Quốc tái định hình BRI. Việc xây dựng hạ tầng đường bộ, đường sắt, bến cảng và nhà máy điện đã nhường chỗ các ưu tiên về công nghệ - chủ yếu là viễn thông, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ tài chính trong BRI.

Việc chuyển đổi BRI sang hướng tập trung vào công nghệ càng tạo ra thêm rủi ro cho Mỹ. Thành công của các công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE trong việc xây dựng hạ tầng 5G ở châu Phi và khu vực châu Á đang khiến các doanh nghiệp phương Tây gặp khó khăn trong cạnh tranh tại cùng các thị trường này.

Trong khi đó, những gã khổng lồ công nghệ tài chính của Trung Quốc, như Ant Group và Tencent, đã tận dụng nguồn trợ cấp chính phủ và lượng dữ liệu khổng lồ sẵn có từ các ứng dụng thanh toán di động để thiết lập vị trí thống trị ở nhiều quốc gia tham gia BRI.

Các tiêu chuẩn kỹ thuật được Trung Quốc đề ra đang trở thành tiêu chuẩn ở nhiều nước BRI, một phần do sự hiện diện mạnh mẽ của Trung Quốc tại các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn quốc tế như Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU).

Đáp lại, Mỹ cần thúc đẩy việc thương mại hóa các công nghệ tiên tiến, đảm bảo các tiêu chuẩn về công nghệ, quản lý sẽ phục vụ cho lợi ích của chính nước Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc khuyến khích khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tham gia các tiêu chuẩn quốc tế trong việc xây dựng các tổ chức cũng như phối hợp và tham gia một cách nhất quán các hoạt động dựa trên tiêu chuẩn cụ thể của chính phủ Mỹ.

Để Mỹ và các công ty nước này lấy lại danh tiếng là sự lựa chọn tốt hơn Trung Quốc về cơ sở hạ tầng hoặc công nghệ cũng như những điều kiện về chăm sóc sức khỏe, Mỹ nên tăng cường ngoại giao thương mại, làm rõ với các nước BRI về những lợi thế lâu dài của việc hợp tác với các doanh nghiệp Mỹ như tính minh bạch trong các điều khoản, sự bền vững về tài chính, rõ ràng trong các đánh giá tác động môi trường, cũng như chất lượng sản phẩm, và hoạt động chuyển giao kỹ năng và kiến thức quy mô hơn cho các lực lượng lao động địa phương.

Cùng với đó là thiết lập các trung tâm khu vực ở châu Phi, Mỹ Latinh và Đông Nam Á, với sự tham gia của các quan chức từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ, Tập đoàn Tài chính Phát triển, Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao để phối hợp đồng bộ các dịch vụ công nghệ của Mỹ thành một gói thầu cạnh tranh duy nhất.

Mỹ cũng nên tính đến việc triển khai những thỏa thuận thương mại có tiêu chuẩn cao, đem lại cơ hội và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Mỹ. Nói tóm lại, BRI của Trung Quốc đang đặt ra một thách thức lớn.

Mỹ có thể đáp trả thách thức này hiệu quả nhất bằng cách thúc đẩy cải cách thay vì chỉ khẳng khăng vin vào những lợi thế sẵn có. Lựa chọn này sẽ cho phép Mỹ đem tới các quốc gia đang phát triển một giải pháp thay thế đáng tin cậy trước công nghệ và đầu tư của Trung Quốc mà không phải nhượng bộ những giá trị căn bản của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục